Muốn "đi xa" phải đi cùng nhau (Bài 2)

Thịnh Quang (biên soạn) |15/02/2023 08:00

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Sáng 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới. Đây là hội nghị quan trọng, có ý nghĩa đối với cả hai bên trong chuỗi cung ứng.

botruong2.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn nhắc nhở triết lý: Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Doanh nhân mang sứ mệnh hết sức to lớn trong bối cảnh mới. Chúng ta cần làm tốt công tác giao thương thương mại, bởi điều ấy góp phần nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, giúp định hình, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Trung”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Lê Minh Hoan nói, tại Hội nghị.

Nhắc lại quan hệ buôn bán hai nước từ thời còn giao thương qua đường mòn, lối mở, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng thương nhân Trung Quốc đã mang nhiều kỹ thuật canh tác như trên cây thanh long… sang Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng thành tựu ngành nông nghiệp thời gian có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc, bởi họ giúp giảm tình trạng thả nổi, sản xuất theo quán tính của bà con nông dân.

Lấy dẫn chứng về những nhà nông học Việt Nam nghiêng mình trước việc Giáo sư Viên Long Bình qua đời hồi năm 2021, Bộ trưởng đánh giá, quan hệ giao thương nông sản cần phải được nhìn ở góc độ rộng hơn, thay vì chỉ là chuyện lỗ - lãi.

Dẫn câu nói của Hồ Tuyết Nham, một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ 19, rằng “Nếu tầm nhìn trong thiên hạ, chúng ta có thể buôn bán trong cả thiên hạ”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: Buôn có bạn bán có phường, Một lần bất tín vạn lần bất tin, Trăm người bán vạn người mua…"

Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Hoan bày tỏ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng bàn về định nghĩa “thương nhân”. Theo ông, trước khi nghĩ đến “thương”, cần nhấn mạnh đến yếu tố “nhân”, nghĩa là con người cần xích lại gần nhau hơn, vì lợi ích chung, thay vì nghĩ đến mục tiêu trước mắt.

Thông qua kinh doanh, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển cho cộng đồng. Từ hợp tác đó, lợi nhuận sẽ tự được tạo ra. Ông cũng tin rằng kinh doanh không còn là việc tư, mà dần chuyển thành một công việc chung, được cơ quan quản lý, xã hội, người dân ngày càng quan tâm.

Thông qua những vấn đề được thảo luận tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. Việc thích ứng với những lệnh như 248, 249 và sắp tới là 259, theo Bộ trưởng, giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.

"Tư lệnh" ngành NN-PTNT đặc biệt lưu ý đến công tác phát triển thương hiệu. Xem “thương hiệu” là cái hiệu để người ta thương, ông cho rằng việc xây dựng thương hiệu không thể là chuyện một sớm một chiều mà là quá trình liên tục qua nhiều giai đoạn, qua nhiều chuyến hàng.

Nhấn mạnh thông điệp “Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Để làm được, ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý. “Doanh nghiệp có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới”, ông chia sẻ.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem 2023 là năm chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng nói thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở từ các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước.

Một điểm nữa được Bộ trưởng nhắc đến, là “sức ì” khi đâu đó xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Mượn bí quyết thành công của tỷ phú Lý Gia Thành: “không dạy kinh doanh mà dạy làm người” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành phố cả nước nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.

hn1.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị này, đại diện Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Với riêng thị trường Quảng Tây, ông Sơn khuyến nghị nên chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ông nêu thực tế, rằng hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng.

Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này”, ông Sơn chia sẻ.

Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu.

Các đơn vị liên quan cần phối hợp và tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trường xuất khẩu hàng nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến nông sản để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản”, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Bài 1: Vì sao đầu năm 2023 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc gặp khó?

Bài 3: Xuất khẩu nông sản Việt Trung và "chìa khóa" Logistics

Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Muốn "đi xa" phải đi cùng nhau (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO