Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 47.424 tấn, tương đương hơn 28 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 6% về giá trị so với tháng 1/2022. Trước đó, năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 851.000 tấn, tương đương 432 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 17% về giá trị so với năm 2021.
Doanh nghiệp than khó?
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Với gạo và cám gạo thì hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chính thức để xuất khẩu chính ngạch với hai sản phẩm này từ năm 2016. Và trong phụ lục các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thì có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính thức.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua, do sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó chúng ta sẽ nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.
Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này.
Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.
Do vậy, trong quá trình thực hiện chúng ta cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ này cũng như gửi cho Cục Bảo vệ thực vật để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía bạn.
"Theo thông lệ, từ 2-3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, chúng tôi sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn", ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
3 nội dung doanh nghiệp xuất khẩu gạo được "khuyến cáo"
Những năm vừa qua, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng thay đổi, theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, phía bạn cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ các nước.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8/1/2023, khi Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được nới lỏng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có quy định phương thức cắt nối moóc như lúc dịch khiến chi phí phát sinh cao. Bên cạnh đó, lái xe Việt Nam khi lái phương tiện xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết thêm, Trung Quốc có xu hướng giảm dần và tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”. Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT cho rằng hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT, khó khăn hiện thời xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế toàn cầu, cũng như dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, ông khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện 3 vấn đề. Một là, tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023; Hai là, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP; Ba là, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
“Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, chúng ta cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại”, ông Nguyễn Như Tiệp chia sẻ./.
(Còn tiếp)
Bài 2: Muốn "đi xa" phải đi cùng nhau