Năm 2020: Hoàn thành 1.300km đường bộ cao tốc

27/07/2016 14:18

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc (ĐBCT) đang là yêu cầu lớn để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ cao tốc VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTG ngày 01/3/2016) gồm 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km. Hiện nay, chúng ta đã đưa vào khai thác 4 tuyến Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài 171km.

(Vietnam Logistics Review) Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc (ĐBCT) đang là yêu cầu lớn để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ cao tốc VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTG ngày 01/3/2016) gồm 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km. Hiện nay, chúng ta đã đưa vào khai thác 4 tuyến Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài 171km.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo Quy hoạch bao gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các vùng kinh tế từ Bắc đến Nam (2 tuyến, chiều dài 3.083km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc (14 tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, chiều dài 1.368km); hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (3 tuyến, chiều dài 264km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (7 tuyến, chiều dài 983km) và đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (5 tuyến, chiều dài 723km).

Những năm qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có ĐBCT. Đây được coi là khâu đột phá chiến lược và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng hạ tầng giao thông thay đổi nhanh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng , hệ thống hạ tầng giao thông đang còn nhiều vấn đề bất cập so với nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mạng lưới giao thông so với khu vực còn nhiều hạn chế.

Về tình hình đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tại cuộc họp ngày 29.6 của Bộ GTVT, Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Hoằng cho biết, hiện đã đưa vào khai thác 4 tuyến, tổng chiều dài 171km (Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP.HCM - Trung Lương (40km), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (51km); các tuyến đang triển khai thi công dài 302km, gồm các tuyến La Sơn - Túy Loan (dài 66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km), Bến Lức - Long Thành (dài 55km), Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54km).

“Như vậy, với các dự án đã hoàn thành, các dự án đang triển khai thì đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 473km. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.304km, trong đó để thông tuyến đoạn Hà Nội – TP.HCM phải đầu tư hoàn thành 1.280km (tính theo chiều dài các tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư)” - Vụ trưởng Nguyễn Hoằng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, để bảo đảm đúng theo quy định của đường cao tốc phải đầu tư xây dựng 4 làn xe, có dải phân cách giữa; cùng với đó phải xác định lại tổng mức đầu tư; ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP (các dự án PPP có sự tham gia của ODA và các dự án PPP trong nước). “Riêng cao tốc, theo quan điểm của tôi, Chính phủ phải ghi hẳn một gói cho đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, không ghi chung chung, vì đến năm 2020 chỉ còn 4 năm nữa nên mình phải đầu tư, 1 năm bình quân phải làm được 300km đường cao tốc, tương ứng với suất đầu tư 1km với 170 tỷ đồng (51.000 tỷ/năm)” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị. Mục tiêu lớn nhưng thời gian còn lại rất ngắn.

Tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút đầu tư

Ngày 7.7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020 do Bộ GTVT báo cáo. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí về sự cần thiết và cho rằng, công trình này không thể trì hoãn. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc VN, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía đông. Theo Phó Thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, thực hiện được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000km cao tốc đã đề ra.

Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường xây dựng đề án chi tiết về phát triển đường cao tốc, tập trung vào cao tốc Bắc - Nam về phía đông do Bộ GTVT chủ trì. Sau khi Bộ GTVT xây dựng xong Đề án, gửi các bộ liên quan để cụ thể hóa từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô… nói rõ cơ chế huy động nguồn lực. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

"Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 1.300km đường cao tốc đòi hỏi toàn ngành GTVT phải có sự tập trung cao độ, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ (2016-2020). Trong điều kiện như hiện nay, việc hoàn thành nhiệm vụ này phải huy động từ các nguồn lực, đầu tư theo các hình thức PPP. Tuy nhiên, dù là hình thức đầu tư nào để hoàn thành nhiệm vụ cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Chỉ được xây dựng các Dự án BOT ở khu vực có lựa chọn thứ hai cho người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị thiết kế phải lưu tâm đến quy hoạch của địa phương, phát triển vùng nơi có dự án đi qua, như thế các dự án mới phát huy hết hiệu quả", Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đặt ra yêu cầu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020: Hoàn thành 1.300km đường bộ cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO