3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm
Đó là 3 chương trình: Giảm nghèo bền vững; Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tổng tiền ngân sách dành cho 3 chương trình này khoảng 92 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, các chương trình này thực hiện rất chậm, nhiều khó khăn, nan giải.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng đã lập Ban chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng, ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 chương trình này.
Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nên phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh xác nhận "nhận thức rõ trách nhiệm", nên Ban chỉ đạo Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và có văn bản hướng dẫn.
Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; có các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước.
Các cấp, ngành ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn.
Đến hết tháng 5/2022 thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỉ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 4.800 tỉ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người theo Nghị quyết số 11
Nan giải giải ngân
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Chính phủ đã yêu cầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng xác định "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành, trong đó "2 đẩy mạnh" là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.
Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, phải làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
"Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.