Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam
Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức. Diễn đàn vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đồng thời, sự kiện cũng thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực Đông Nam Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu, các chuyên gia từ các doanh nghiệp logistics.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung phát triển không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ tạo điều kiện cho hạ tầng logistics phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cho phát triển logistics. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung phát triển hạ tầng logistics hiện đại; cần có đột phá về thể chế, hoàn thiện thể chế để ngành logistics phát triển góp phần đưa đất nước đạt tăng trưởng 2 con số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước phát triển giàu mạnh và thịnh vượng"…
Trong 2 ngày diễn ra diễn đàn (ngày 1 - 2/12), các chuyên gia đã bàn đến nhiều vấn vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam như: Tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Hành trình vươn ra biển lớn: Hệ sinh thái hàng hải Việt Nam kết nối các khu thương mại tự do; Ứng dụng công nghệ và giải pháp tài chính trong vận hành khu thương mại tự do và thúc đẩy phát triển logistics; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam Bộ Xanh và thông minh - xu hướng của trung tâm logistics hiện đại trong khu thương mại tự do; Xu hướng của logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và những hướng đi cho Việt Nam, Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; Doanh nghiệp logistics Việt Nam trước bước ngoặt thời đại; Xu hướng phát triển khu thương mại tự do: cơ hội và khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam; Phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển; …
Đủ tiềm năng hình thành khu thương mại tự do
Trong rất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam, các chuyên gia nhận định, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các yếu tố để hình thành khu thương mại tự do, góp phần phát triển kinh tế, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm thương mại tự do, kết nối với cảng biển hàng đầu khu vực. Theo đó, tỉnh có vị trí chiến lược trên tuyến hàng hải quốc tế Á - Âu và Á - Mỹ, là cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Á, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới và kết nối trực tiếp với châu Âu, châu Mỹ là yếu tố quan trọng cho việc phát triển khu thương mại tự do. Hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, với các dự án như cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tạo ra mạng lưới giao thông kết nối trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh còn là hậu phương công nghiệp của Đông Nam Bộ, cung cấp nguồn hàng hóa phong phú cho cảng Cái Mép - Thị Vải, đóng góp lớn vào thị phần xuất khẩu quốc gia. Chính quyền địa phương và Chính phủ đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, xu hướng gia tăng kích thước tàu và nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng Cái Mép - Thị Vải, với vị thế cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam, sẽ là lựa chọn chính cho các hãng tàu tại khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, trong những năm gần đây, tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện. Cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình cảng xanh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ là bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ.
Khu thương mại tự do kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.
Chủ trương phát triển từ Trung ương
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ rất sớm, Chính phủ đã có chủ trương tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển địa phương này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đã định hướng “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Cùng với đó, Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng giao nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng, nâng cao lưu lượng hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa cụm cảng trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong khu vực”. Do đó, việc sớm thành lập Khu thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đòn đẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có của địa phương này.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cũng cho biết, quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là mục tiêu phát triển quan trọng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để sớm đạt được kết quả.