Giao thông vẫn là “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

Ngô Đức Hành (tổng hợp)|19/09/2022 13:23

Theo Thủ tướng, nếu cứ làm như kiểu cũ với khối lượng như hiện nay thì các công trình, dự án sẽ vẫn chậm. Do đó cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy, phương pháp luận; nêu cao tinh thần trách nhiệm,

tt(1).jpg
Thủ tướng cho rằng “đường đi đến đâu, văn minh đi đến đó; địa phương nào giao thông phát triển thì KTXH phát triển”

Tại phiên họp mới đây nhất (ngày 17/9) của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết, sau Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Theo đó, đã ban hành các nghị quyết, thông tư, quy chế phối hợp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các công việc cụ thể cho từng dự án bảo đảm các mốc thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kiện toàn, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, rà soát nguồn cung cấp vật liệu, ưu tiên triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng.

Các bộ, ngành, địa phương cũng kịp thời bố trí vốn cho các dự án; phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chú trọng công tác quản lý chất lượng đi liền với kiểm soát tiến độ; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, công khai các thông tin về chủ trương thực hiện các dự án.

Tại phiên họp lần thứ hai này, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.

Trong đó gồm các dự án đang thực hiện đầu tư gồm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 ; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ; Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành; Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Đồng thời báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án gồm: 3 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Dự án vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh.

tau-nhon-ga-ha-noi-2.jpg
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau 1 thập kỷ thi công vẫn chưa thể lăn bánh (Ảnh: Internet)

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 3 dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT. Trong đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã được HĐND Thành phố thông qua nguồn vốn ngân sách bổ sung gần 2.000 tỷ đồng; khúc mắc với các nhà thầu nước ngoài đã và đang được giải quyết, chuẩn bị trở lại thi công.

Với Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Thành phố đã giao UBND 7 huyện có tuyến đường đi qua làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng. Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ cùng với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên tổ chức làm việc với lãnh đạo các tỉnh lân cận dự án để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu cho dự án ngay từ thời điểm này.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nếu nhanh chóng được thông qua vị trí nhà ga C9 sát Hồ Gươm thì có thể sớm khởi công dự án.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Dự án đường vành đai 3 cơ bản đáp ứng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ, Thành phố đang đeo bám các mốc tiến độ. Cụ thể, tháng 9/2022 hoàn tất giao ranh giới mốc, tháng 11/2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần.

Trong khi đó, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến tháng 12/2022 sẽ chạy thứ một đoạn trên cao 10 km đi qua TP. Thủ Đức để năm sau đưa vào khai thác thương mại. Riêng đoạn kéo dài từ Suối Tiên đến Đồng Nai và Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có báo cáo tính toán quy hoạch để kéo dài thêm.

Ngoài ra, tuyến metro số 2 (Bến Thành- Tham Lương) dự kiến tháng 12/2022 khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật, song song đó xin điều chỉnh thời gian dự án.

Riêng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn; nếu việc thẩm định, phê duyệt, hoàn tất thủ tục thì sẽ khởi công năm 2023.

Các đại biểu cho biết, vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án. Trong đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù các địa phương, các đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai nhưng tiến độ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa cung cấp đủ nguồn vật liệu đắp nền cho các dự án dù Chính phủ đã có các nghị quyết tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế thủ tục triển khai đan xen giữa các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài... Các khó khăn, vướng mắc trên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là rất lớn, vì sự phát triển của đất nước, nhân dân, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Giao thông vẫn là “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ liên tục của cả hệ thống chính trị trên cả nước để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông vận tải trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng cho rằng “đường đi đến đâu, văn minh đi đến đó; địa phương nào giao thông phát triển thì kinh tế-xã hội phát triển”. Do đó Đảng, Nhà nước xác định phát triển hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược; trong đó có mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km cao tốc. Hiện nay, Nhà nước đã dành nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng giao thông, nhiệm vụ lúc này là phải thực hiện thật tốt, vì đất nước, vì nhân dân.

Theo Thủ tướng, nếu cứ làm như kiểu cũ với khối lượng như hiện nay thì các công trình, dự án sẽ vẫn chậm. Do đó cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy, phương pháp luận; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến thủ tục, các công đoạn, công việc; nếu vướng mắc ở các bộ, ngành thì người đứng đầu phải trực tiếp giải quyết.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng lưu ý cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà thầu, tư vấn giám sát, vì công việc, cam kết của mình; tổ chức tổng kết, sơ kết, nhân rộng các mô hình hay, điển hình làm tốt, tạo phong trào thi đua thực sự; tăng cường phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cá thể hoá trách nhiệm, đề cao vai trò của người đứng đầu, chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động; khen thưởng kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa nhà thầu với chủ đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; coi trọng sự đồng thuận, nhất là đồng thuận trong nhân dân, không để khiếu kiện kéo dài trong giải phóng mặt bằng.

tt1.jpg
Theo Thủ tướng, phải đổi mới cách làm...Ảnh: Bộ GTVT

Các bộ, ngành phải cử cán bộ, tích cực xuống địa phương, tới tận công trình, nắm bắt tình hình, cùng giải quyết với tinh thần vì cái chung; coi công việc, sự khó khăn của cơ quan, đơn vị, địa phương khác cũng như công việc, khó khăn của chính mình”, Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố được giao làm chủ đầu tư phải có ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo. UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện xây dựng các quy hoạch; thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, bán thầu, chia cắt dự án. Bộ Công an, cơ quan thanh tra đi kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật sai phạm trong đấu thầu.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chú ý vấn đề liên quan nguyên liệu cát, sỏi, đất, đá phục vụ xây dựng các công trình. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra chuyên đề vấn đề liên quan nguyên liệu cát sỏi, đất đá. Các cơ quan, địa phương không để tình trạng thiếu vật liệu kéo dài và không được để xảy ra tiêu cực, cần giải quyết kịp thời cấp phép khai thác mỏ vật liệu với các dự án đang chuẩn bị triển khai hoặc đang thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại vấn đề nguyên vật liệu; quy hoạch các mỏ cát sông, bảo đảm môi trường, cảnh quan; rà soát các vấn đề giá cả, công khai giá vật liệu, không để hiện tượng găm hàng, đội giá. Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương công bố giá các vật liệu kịp thời.

Các ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tranh thủ thời tiết tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công trình; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ cấu lại vốn các dự án, điều chuyển vốn từ các dự án làm kém, chậm tiến độ sang các dự án làm tốt.

Đối với các dự án hơp tác công - tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương, chọn những nhà đầu tư có năng lực, làm đúng quy định, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các công việc được phê duyệt, nhất là các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết- Dầu Giây dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022; hoàn thành và thẩm định phê duyệt các dự án liên quan thủ tục khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; phấn đấu cơ bản nối thông dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

Thủ tướng giao Bộ GTVT và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột, Biên Hoà – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trước 30/6/2025.

Đối với các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng các thành phố này đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bắt đầu đi vào nền nếp, song cần phát huy làm tốt hơn, không được để tái chậm trễ; đề nghị triển khai sớm các dự án đường sắt vì càng kéo dài, càng kém hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải.

Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung làm sân bay Long Thành thật tốt; phải đấu thầu công tâm, công khai, minh bạch, chọn một tổng thầu có kinh nghiệm, không chia nhỏ các gói thầu, tiềm ẩn tiêu cực, đề nghị các bộ, ngành chung tay cùng ACV trong dự án rất quan trọng này.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với nhau, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tránh tình trạng “giấy tờ lòng vòng”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc giám sát, xử lý các sai phạm nếu có; tất cả vì nhân dân, vì đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Bài liên quan
  • Có cần thiết quy hoạch sân bay tư nhân?
    Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 31 cảng hàng không, hoàn toàn chưa đề cập gì đến sân bay tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giao thông vẫn là “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO