Nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam

SGGP|03/01/2020 08:29

(VLR) Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, xuất khẩu nông sản đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập.

Sơ chế rau xuất khẩu và tiêu dùng trong nước tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP. HCM)

Sơ chế rau xuất khẩu và tiêu dùng trong nước tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP. HCM)

Sản phẩm chưa được chế biến sâu

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hoạt động chế biến nông sản nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Hơn nữa, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ (như rau, củ, quả).

Liên quan đến lĩnh vực này, ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc tại TPHCM, nhìn nhận nông dân và DN Việt Nam chú trọng số lượng, chỉ làm và xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị thương mại thấp.

Ông Trung dẫn chứng, chỉ với nguyên liệu là củ khoai lang, DN ở Hàn Quốc chế biến được 15 sản phẩm, thậm chí có cả nước ngọt từ khoai lang, còn Việt Nam chỉ biết có luộc, nướng, sấy.

Không dừng lại ở đó, một số đơn vị đã và đang xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường cũng chia sẻ rào cản lớn nhất của DN hiện nay là kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Sản phẩm tươi sống, đặc biệt là rau quả, luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe nhất từ thị trường.

Không chỉ là những rào cản về an toàn thực phẩm như chất cấm, kháng sinh… mà các thị trường nhập khẩu còn đòi hỏi trong quá trình sản xuất phải gắn các yêu cầu về tính xã hội, nhân văn, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đại diện Hợp tác xã Làm nông minh bạch 007 (quận 7, TPHCM) cho biết đã từng đưa trái thanh long đi châu Âu và nhận thấy rằng rào cản lớn nhất với nông dân là vốn. Nông dân biết cách để bán được sản phẩm nhưng lại không có tiền để làm theo chuẩn. Có khá nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, nhưng nông dân khó vay được. Nhà nước cần hỗ trợ tích cực để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có cái nhìn tổng thể dài hơi hơn để đánh giá thị trường và giúp nông dân phát triển sản xuất lâu dài, bền vững.

Chủ động đáp ứng các quy định

Nhiều năm trở lại đây, “giải cứu nông sản” đã trở thành cụm từ quen thuộc khi đến vụ thu hoạch là hàng loạt nông sản sụt giảm giá nghiêm trọng, thậm chí phải đổ bỏ vì không thể tiêu thụ. Điểm chung là hầu hết các sản phẩm này đều được trồng đại trà, không theo quy hoạch, không tìm hiểu thị trường tiêu thụ, cũng không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa hay thông số tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

Các chuyên gia cho rằng, để không còn tình trạng “giải cứu” thì phải thực hiện tiêu chuẩn nông sản sạch để có nhiều cơ hội tiêu thụ và chế biến. Cần tạo được nhận thức, hướng dẫn nông dân nuôi trồng sạch và làm chứng nhận, sau đó liên tục kiểm tra việc tuân thủ cho đến khi nông dân tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện các yêu cầu vì lợi ích của chính mình.

Các DN xuất khẩu phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến sâu mới giúp tăng giá trị cho sản phẩm, chủ động đáp ứng những quy định mà các thị trường yêu cầu, bảo đảm tính bền vững cho xuất khẩu.

Trao đổi về lĩnh vực này, bà Bùi Thanh Hương, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đối với việc đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, Bộ NN-PTNT đã và đang kêu gọi các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện sản xuất và kiểm soát theo chuỗi; phải kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quy trình sản xuất nông sản, từ người trồng cho đến thương lái thu mua và DN xuất khẩu.

Cơ quan quản lý chuyên ngành cần thông báo kịp thời cho địa phương và đơn vị xuất khẩu những yêu cầu, quy định an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đối với công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cũng đã siết chặt việc đăng ký, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Xây dựng mô hình truyền thông để khuyến cáo người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như khuyến khích các DN kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tiến tới năm 2020 có khoảng 30% thuốc bảo vệ thực vật sinh học thân thiện môi trường trong danh mục.

Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu. Sức hấp dẫn của các thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh xuất khẩu cao từ Trung Quốc, Thái Lan và gần đây nhất là Campuchia - những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, còn phải vượt qua được những rào cản kỹ thuật, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Để có thể thành công trên từng thị trường hàng nông sản, phải tìm hiểu kỹ đặc tính riêng của thị trường đó, nhất là đặc điểm khí hậu, quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.

EU, Hàn Quốc là những thị trường nổi bật với các quy định khắt khe về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) đối với nông, thủy sản nhập khẩu. Từ 1-1-2019, Hàn Quốc đã chính thức siết chặt danh mục thuốc bảo vệ thực vật đối với mặt hàng xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. EU đã quy định mức giới hạn dư lượng MRLs được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với sản phẩm rau quả tươi, tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU. Do đó, DN cần kiểm tra lại với khách hàng của mình những quy định được áp dụng cho sản phẩm rau quả tươi xuất khẩu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO