Nghề nuôi biển và mục tiêu sản lượng 1,45 triệu tấn

Thành Nam (tổng hợp) |23/03/2023 20:05

Mục tiêu đến năm 2030, nghề nuôi biển Việt Nam sẽ đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 đến 2 tỷ USD.

nuoibienvabaoton.jpg
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Thực trạng nuôi trồng thủy sản trên biển

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu nhưng nghề đánh bắt còn nhiều yếu kém trong khi nghề nuôi trồng thủy sản thì phát triển chưa bền vững.

Hiện nay, tôm và cá tra đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu nhưng việc nuôi hai con này còn nhiều vướng mắc, nan giải. Đó là sự hạn chế trong liên kết giữa nuôi với thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Đó là Việt Nam chưa có nhiều trang trại nuôi tôm quy mô tầm cỡ do vướng mắc trong chính sách hạn điền, gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ nuôi và truy xuất sản phẩm. Hiện nay, 90% sản lượng tôm nuôi của Việt Nam là từ các cơ sở nhỏ lẻ.

Sự manh mún này dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều; khó áp dụng các quy trình nuôi quốc tế cũng như khó áp dụng công nghệ hiện đại để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho con tôm Việt.

Ngoài ra, nguồn nước ngày càng ô nhiễm làm cho rủi ro trong nghề nuôi thủy sản tăng cao khiến doanh nghiệp và người nuôi nhỏ lẻ thấp thỏm lo lắng. Người nuôi tôm còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như vay vốn ngân hàng, nguồn điện không ổn định, bị thương lái ép giá…

Ngành nuôi trồng thủy sản đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào nhưng những khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Những vướng mắc, thách thức đó chính là lực cản vô hình khắc chế ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong hành trình tăng tốc, vươn tầm ra thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030

Việt Nam đã có rất nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ về nuôi trồng thủy sản trên biển. Cao nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Gần đây nhất là Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển nước ta đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 đến 2 tỷ USD. Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản "Minh bạch - trách nhiệm - bền vững", có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.

bien-vn-3.jpg
Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển nước ta đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, Trong ảnh: Ngư dân Phú Yên nuôi tôm hùm trên biển

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất
là quán triệt nhận thức chung đến các cấp lãnh đạo và quản lý tại địa phương về định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương "Giảm khai thác - tăng nuôi trồng" để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, thống nhất nhận thức và hành động.

Trong quá trình thực hiện chủ trương này phải đặc biệt lưu ý triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp cho lực lượng lao động khai thác hải sản ven bờ và các dịch vụ liên quan nhằm tạo sinh kế, đảm bảo ổn định xã hội.

Thứ hai
là cần tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm nghề phải chuyển đổi theo quy định, kết hợp với kế hoạch phát triển nuôi biển của địa phương để có giải pháp tổ chức, triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ năng, chuyên môn cho lực lượng lao động cần chuyển đổi nghề và có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý để người dân tự nguyện tham gia.

Cùng với đó cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 và Quyết định số1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021.

Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt lưu ý các địa phương cần quán triệt tư duy phát triển kinh tế nuôi biển phải tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế có liên quan, như giao thông, du lịch, điện gió, xây dựng nông thôn mới...

Tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân tham gia nuôi biển.

Đồng thời, quan tâm phát triển đồng bộ chuỗi giá trị ngành hàng nuôi biển (bao gồm giống, công nghệ lồng bè, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số…) để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển....

Bài liên quan
  • Thuỷ sản Việt Nam và chìa khoá vàng logistics
    Với quy mô ngày càng mở rộng, ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” không chỉ được khẳng định trong nước mà ngày càng hấp dẫn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nghề nuôi biển và mục tiêu sản lượng 1,45 triệu tấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO