“Giấc người” có 50 bài, trong đó có 13 bài lục bát và lục bát biến thể, 37 bài thể tự do. Trong bài “Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm” – thay Lời giới thiệu tập thơ, nhà thơ Đặng Huy Giang nhận định tinh thần của tập thơ là Quang Hoài giãi bày món nợ của nhà thơ đối với sự thật.
Tôi thì cho rằng, Quang Hoài rơi vào trạng thái vân vi. Ông “vò đầu, bứt tai”, loay hoay trong một trạng thái cảm xúc tự vấn. Tập thơ cho thấy, ông không tách mình ra khỏi thế sự, hơn thế, thời cuộc dội vào lòng ông, con chữ trở thành nô lệ để ông giãi bày. Văn học, nhất là thơ không đi theo thời cuộc, lệ thuộc vào thời cuộc; tuy nhiên, trái tim của thi sỹ bao giờ cũng nhạy cảm. Cuộc đời gây nên rung chấn trong tâm hồn họ, không cào lên trang viết, e không phải. “Thơ ca không viết về cuộc đời, thân phận thì thơ ca viết cái gì?”, tôi cứ nhớ mãi câu nói này của nhà thơ TS. Lê Tuấn Lộc. Dẫu ẩn dụ kiểu nào, có mấy “tầng chìm” trong thơ, bất cứ trang viết nào cũng dễ nhận ra có mùi, màu, vị của cuộc sống.
Quang Hoài không ngoại lệ. Những tác động của đại dịch COVID-19, có dấu vết trong “Sấm giao thừa”, được ông viết vào lúc Giao thừa Canh Tý 2020; sau đó là “Vu vơ ngày đại dịch”, “Virus”, “Gửi em mùa đại dịch”. Những vấn đề thời cuộc khác, có mặt trong “Chưa thành người lớn”, “Địch ở trong ta”, “Một giuộc”, “Chuyện ở Xứ Mờ”, “Xứ Đoài”, “Con đường và niềm tin”, “Gọi con”, “Lời tự do”, “Cành voan trắng tự do”, “Thiên đình một lát cắt”, “Thiện lành và bất nhân”, “Chắc là”. Như vậy, mới tạm tính đã có 15 bài thơ thế sự, chiếm 30%. Nếu tính cả thân phận, thì cơ bản “Giấc người” là tập thơ thế sự.
Ở tuổi không còn xa bát thập, nhưng trong “Giấc người” vẫn có thơ tình. Xin nhớ là 50 bài thơ trong tập ông mới sáng tác từ năm 2020 lại đây, chỉ duy nhất 01 bài lục bát, ông không nhớ sáng tác năm nào, khi dọn tài liệu phát hiện ra trong sổ tay nên ông đưa vào tập. Điều đó cho thấy, trái tim Quang Hoài vẫn còn bị “hắt hơi, sổ mũi” trước phụ nữ, vẫn khát yêu, muốn được yêu, dẫu là day dứt với quá vãng. Thật đẹp và xa xót....
Nhớ ngày hai đứa chúng mình
Đang cơn muối mặn thình lình nhạt nhau
(Nhạt)
Ơi người chưa trọn giấc son
Vầng đêm thức dậy héo mòn chân mây
Cúi xin ngọn gió heo may
Đừng se sắt thổi những ngày không nhau...
(Ngày không nhau)
Trở lại với nhận định của nhà thơ Đặng Huy Giang, đó là nhận định có lý. “Thực và mơ xa vời khoảng cách / Ta nợ gương quá ít / Nợ sự thật quá nhiều” (Nợ gương). Bài thơ tự sự, thay tự bạch ở phía cuối cuộc đời. Nhà thơ Quang Hoài nhận ra: “Tôi và diều đến bây giờ / Hai con hai ngả lạc bờ nhân gian” (Lạc bờ nhân gian). Tất nhiên, “lạc bờ nhân gian” hoặc cách nói “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” (thơ Vũ Hoàng Chương), về mặt cảm thức thân phận có ý nghĩa như nhau. Khổ là, tất cả đã muộn “Sắp tàn ngày / lại lụi đêm / Đâu hơi sức / để / nhóm nhen / lửa đời” (Lửa đời). “Con sóng nào vỗ nhòa / Seọ hoàng hôn trong ta” (Sẹo hoàng hôn).
...
Xin thơ cho ta sám hối
Khi một lần nhìn lại phía sau lưng
(Nhìn lại phía sau lưng)
“Giấc người” là bài thơ Quang Hoài xếp ở trang 44/90 trang phần thơ, có nghĩa là chính giữa, nhưng có “sứ mệnh” Vedette – vì thế ông chọn làm tên chung cho tập thơ. “Sông trổ dọc / Núi đâm ngang / Một tôi / Một cõi /Dở dang / Giấc người!”. Khổ cuối bài thơ tự cảm, tự thức đầy tâm trạng. Không phải một mình Quang Hoài dở dang giấc người đâu. Chắc chắn, biết trăn trở, biết đắng ngọt với cuộc đời đều thế cả. Vì thế mà nhà thơ Quang Hoài ao ước “Chờ / nhà thơ hóa kiếp / Khoác cho mình cánh voan trắng tự do” (Cánh voan trắng tự do).
Theo waka thì nhà thơ Quang Hoài, họ tên đầy đủ là Nguyễn Quang Hoài, còn có bút danh Hoài Phương, Đào Hoài Phương, sinh ngày 8/4 năm Ất Dậu tức 19/5/1945. Ông sinh ra để làm Cách mạng tháng Tám, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra thì Quang Hoài vừa biết lẫy, nhìn được cờ đỏ sao vàng. Chả thế, lớn lên Quang Hoài nhập ngũ, về hưu mang quân hàm Đại tá.
Quê quán Quang Hoài là thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện ông là công dân Hà Nội, trú ở quận rất ước ao, vì thanh xuân, tuổi trẻ.
Từ năm 1965-1968, Quang Hoài là quân nhân, làm trợ lý phiên dịch tiếng Trung Quốc. Năm 1969-1973 ông là trợ lý biên dịch và thông tin tư liệu tại Phòng Nghiên cứu khoa học và Phòng Tư liệu - Thư viện Học viện Chính trị. Từ năm 1974-1976, ông là Chính trị viên phó đại đội, Trợ lý tuyên huấn, Trợ lý văn hoá địch vận Sư đoàn 308 Quân đoàn 1. Từ 1977-1978, ông Tham gia Đoàn xây dựng đơn vị cơ sở của Tổng cục Chính trị ở biên giới Tây Nam. Từ năm 1979-2007, ông là Thư ký Toà soạn Tập san Nghiên cứu, Tạp chí Nghiên cứu; Trưởng ban Biên tập - xuất bản Học viện Chính trị quân sự; Phó tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự. Sau khi nghỉ hưu (năm 2007), ông là cộng tác viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học; Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Thủ đô Tản Viên Sơn và tham gia biên tập một số báo, tạp chí, bản tin khác…Tóm lại là, ông đã có 57 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ.
Về tác phẩm đã xuất bản, ông có 16 tác phẩm in riêng, gồm “Nguyện cầu” - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2002; “Mưa đền tình” - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2003; “Văn hoá, đạo đức Hồ Chí Minh trong Bộ đội Cụ Hồ” - bút ký chính luận, Nxb. Thanh niên, 2004; “Lời yêu rượu đắng” - tập thơ, Nxb. Văn học, 2005; “Gió sông Hồng vẫn thổi” - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2006; “Kiếp này ta chửa thương ta” - tập thơ lục bát, Nxb. Hội Nhà văn, 2007; “Chớp lửa đường cong” - tập thơ, Nxb. Văn học, 2009; “Giữa hai bờ trăng khuất” - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2010; “Giọt trời trên lá sen” - tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2012; “Trong veo nước suối nguồn” - tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2015: “Tình sau con chữ” – bút ký và tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn, 2015; “Trước mùa nước dâng” – tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2017; “Nhìn trăng đáy nước” – Tiểu luận văn học, Nxb Hội Nhà văn, 2018: “Quả càng già càng chín ngọt thơm” – tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2020; “Ngước sao đỉnh trời” – Tiểu luận văn học. Nxb Hội Nhà văn, 2021; “Giấc người” – tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2021. Ngoài ra, ông còn 63 tác phẩm thơ, văn in chung...Như vậy, trong “gia tài” hiện có, ông có 12 tập thơ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng ở nhiều cấp độ khác nhau./.