Nhà thơ Đinh Nho Tuấn, còn cánh đồng còn lối ta về...

Nhà thơ Ngô Đức Hành |11/12/2024 17:32

"Năm ngón chưa đặt tên" là tập thơ thứ 6 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn (Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh). Từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng năm 2021, Đinh Nho Tuấn không xuất bản; các năm khác đều mỗi năm anh “trình làng” một tập.

Năm ngón chưa đặt tên là tập thơ thứ 6 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn (Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh). Tôi có cảm nhận nhà thơ tuổi Ngọ này đang ở thời kỳ sung mãn nhất của lao động ngôn ngữ. Từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng năm 2021, Đinh Nho Tuấn không xuất bản; các năm khác đều mỗi năm anh “trình làng” một tập.

nam_ngon_chua_dat_ten-1727422621591(1).jpg
Tập thơ "Năm ngón chưa đặt tên" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Năm 2023, nhà thơ Đinh Nho Tuấn từng được Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Năm 2024, nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam".

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn 58 tuổi, quê quán Hương Sơn – Hà Tĩnh, có học vị tiến sĩ Luật. Tôi là đồng hương, do vậy may mắn là được sở hữu cả 6 tập thơ của anh. Năm ngón chưa đặt tên, tôi nhận được trong chuyến công tác ở TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2024. Tập thơ gồm 63 bài thơ. Đinh Nho Tuấn luôn vậy, các tập thơ đã xuất bản thường dày dặn.

Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop, được độc giả Việt Nam biết đến tác giả của Đaghextan của tôi từ năm 1984, từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đaghextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Ông khẳng định: “Đẹp hơn là chắc chắn rồi, bởi vì mỗi lần trở về làng trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”.

Sỡ dĩ tôi nhắc đến Raxun Gamzatop bởi mở tập thơ, gặp ngay bài Cánh đồng – từ cảm xúc trên quê hương tôi, với tôi, trong một lần tình cờ gặp gỡ. Đinh Nho Tuấn, bằng ngôn ngữ, thi ảnh của mình đưa ra một giá trị phổ quát: “Còn lúa là còn quê / Còn cánh đồng là còn lối ta về”, (Cánh đồng).

Việt Nam vốn là đất nước nông nghiệp, kho tàng ca dao, tục ngữ, đạo lý làm người cha ông để lại có xuất xứ từ cánh đồng, từ những kinh nghiệm mùa màng. Lịch sử hình thành các đô thị cũng từ kẻ chợ - nơi người nông dân các vùng phụ cận tìm đến buôn bán nông sản, sản vật từ cánh đồng, dòng sông.

Cho đến bây giờ, dẫu đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” của đất nước, khẳng định vị thế “Phi nông bất ổn”, (tương truyền lời nhà bác học Lê Quý Đôn). Chắc chắn, trong “kỷ nguyên vươn mình” tới đây của đất nước, “hạt gạo làng ta”, (tên bài thơ của Trần Đăng Khoa) sẽ tiếp tục góp phần làm nên “thương hiệu quốc gia”, tham gia vào chuỗi giá trị logistics toàn cầu.

Ký ức làng, ký ức quê kiểng trở thành vùng ký ức, găm vào tâm hồn nhiều thế hệ nhà thơ. Không chỉ với những nhà thơ sinh ra từ làng, lấm láp cùng cánh đồng còn là nghĩa cảm. Người cầm bút thấy mình mắc nợ. Đinh Nho Tuấn lặng lẽ tri ân hạt lúa, tri ân cánh đồng.
...
Dành cho lúa những lời thứ nhất
Dành cho lúa những lời sau cùng
Lời tri ân
Cánh đồng kiệm lời
Hạt thóc vàng không biết nói

(Cánh đồng)

Đây là khổ thơ thứ 4 trong bài thơ 8 khổ, theo tôi là hay nhất, tôn vinh triết mỹ, xác tín tư tưởng của bài thơ. Đinh Nho Tuấn sáng tác vào tháng 5/2024, nhân lần anh cùng người vợ tào khang từ TP. Hồ Chí Minh ra Can Lộc, Hà Tĩnh tổ chức vu quy cho con gái nuôi. Đinh Nho Tuấn ngoài đời là người nặng lòng, chu đáo, trọn vẹn. Không ngạc nghiên, thơ anh vừa trữ tình da diết, vừa đằm thắm vừa suy tư, tìm kiếm và nâng niu giá trị của vẻ đẹp.

“Tôi lang thang tôi xa cách làng tôi / Tôi góc bể tôi thành người thành phố / Nhưng đôi chân thèm khát đất ruộng cày / Tiếng diều xưa trong lòng tôi xây tổ”, (Tôi rơi về làng tôi). Có một nhà thơ, từng viết ngày xưa tôi sống trong làng, bây giờ làng sống trong tôi. Với Đinh Nho Tuấn, thơ anh có một mảng đề tài trữ tình day dứt về quê hương bản quán. Dường như Đinh Nho Tuấn viết mãi không hết những cung bậc cảm xúc anh dành cho quê nhà, Hà Tĩnh. Tâm hồn nặng hơn nhiều thể xác. Anh viết để trả ơn, trả nghĩa.

z6066014812260_877ed1e06f109a444471be2ef487662f.jpg
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn (trái) và nhà thơ Ngô Đức Hành gặp nhau trên cánh đồng Can Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Nghiêm

Ngoài bài thơ Cánh đồng, chủ đề làng quê trong Năm ngón chưa đặt tên còn có Tôi rơi về làng tôi, Đồng quê, Hoa lộc vừng, Rồi khép hờ tôi tháng ngày qua. Rộng hơn cố thổ là quê hương, đất nước là Hà Nội mùa đông, Pleiku Gia Lai, Thu Đà Lạt, Với Tây Ninh, Tấm nhân từ đâu có quê hương, Dạ khúc...

Đinh Nho Tuấn đi từ làng đến đất nước, từ mình đến người, từ số phận đến thân phận, từ tất yếu đến tự do. Viết về ruột thịt có các bài Ông là, Người và em, Mẹ và em, Cha, Logic em... Trong tập thơ còn có nhiều bài thơ thân phận, viết bằng cảm xúc vô thức; đó là Mười ngón chưa đặt tên, Lý do, Tự vấn, Li rượu đầu năm, Dòng sông ngược lối, Cõi người...Tập thơ còn có chủ đề về tình yêu, đề tài không thể thiếu trong tâm hồn thơ lãng tử Đinh Nho Tuấn.

Tâm hồn Đinh Nho Tuấn trẻ trung về cảm xúc, dẫu tuổi đời không còn trẻ. Chỉ vài năm nữa anh bước đến “ngưỡng” lục thập hoa giáp. Ở tuổi ấy, thấu hiểu nỗi người, lẽ đời. Dễ hiểu vì sao, nhiều bài thơ hướng đến tinh thần pháp ấn (khổ, vô thường, vô ngã). Đó là triết lý Phật giáo, không có gì vĩnh hằng.

Tình cờ như một ngày / Sau hoàng hôn chín rụng / Tình cờ như một đời / Có màu thương màu giận”, (Tình cờ đêm). Ở bài thơ có 7 khổ này, tứ thơ được triển khai chặt chẽ trong sắc màu sắc không. “Những người đi qua nhau / Xóa không tan khuôn mặt / Có giọt người trong veo / Chỉ chờ đêm bật khóc”, (Tình cờ đêm). Theo tôi, hai câu: “Có giọt người trong veo / Chỉ chờ đêm bật khóc”, trở thành “đơn vị câu”, (theo khái niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang). Hay nói cách khác, tạo nên biên độ cảm xúc, dư ba của tác phẩm, vẻ đẹp của thi ca.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét: “Thơ Đinh Nho Tuấn đã trải qua hai giai đoạn thẩm mỹ. Giai đoạn thẩm mỹ thứ nhất nhiều mơ mộng, vương vấn thể hiện ở ba tập thơ “Em hãy cho anh vội”, “Em tôi”, “Dan díu với núi sông”. Giai đoạn thẩm mỹ thứ hai nhiều nao nức giãi bày, thể hiện ở hai tập thơ “Ngàn tiếng đời ấp ủ” “Lời phả hương”. Bây giờ, ở tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” lại thể hiện thơ Đinh Nho Tuấn đang chuyển sang giai đoạn thẩm mỹ khác, nhiều thao thức, nhận diện mọi giá trị xung quang”, (Lê Thiếu Nhơn: Lòng cài thêm cúc che chắn rụng rời).

Đây là nhận xét tinh tế của một nhà lý luận phê bình. Đinh Nho Tuấn, trước hết là một người chân thành, dung dị; tâm hồn dào dạt cảm xúc. Theo dõi “hành trình thơ” của Đinh Nho Tuấn, dễ thấy ở Năm ngón chưa đặt tên có những bước tiến về tổ chức ngôn ngữ, tứ thơ triển khai chặt chẽ. Do vậy, các bài thơ trong tập thường ngắn hơn trước đây. “Thơ Đinh Nho Tuấn ngày càng chắt lọc hơn”, Lê Thiếu nhận xét.
...
Bài thơ về tự do dậy thì cảm xúc
Như mưa xuân như loa lá đâm chồi
Cuộc đời tự do là huyền thoại
Xin kể cho người bằng cách của tôi

(Tôi thách tôi)

z5863432383670_62729c819182944bf68e535ba4eb06ad.jpg
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn (trái) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ "Năm ngón chưa đặt tên". Ảnh: Trương Nam Hương

Bài thơ xác tín tư duy thơ của Đinh Nho Tuấn. Anh luôn ưu tư, suy tư về trách nhiệm của con chữ, của nhà thơ trước cuộc sống, khổ đau, hạnh phúc và khao khát. Hay nói cách khác, Đinh Nho Tuấn là nhà thơ có trách nhiệm xã hội trong sáng tác; “Tôi vẫn viết như ngày mai tuyệt chủng”; luôn chất vấn chính ngòi bút của mình: “Thèm cái riêng, không lẫn với các chung”. Đây cũng chính là quy luật chung – riêng trong triết học, được anh “thơ hóa”. Đó là một hành trình vật vã trong cô đơn của bản thể. Dấu chân khó để lại trên lối mòn.

Nhà thơ, nhà LLPB văn học Lê Thiếu Nhơn nhận xét: "Nói không quá thì “Năm ngón chưa đặt tên” giống như một tòa nhà thi ca có nhiều cánh cửa để đi vào và chính ở đó, mỗi cánh cửa như mở ra một điều gì đó mà độc giả hằng trông đợi". 

Thơ cho cùng là giấc mơ, nhà thơ là người giải mã giấc mơ đó từ cuộc sống. Bài Tôi thách tôi chỉ gồm 4 khổ thơ nhưng chứa đựng thông điệp, giàu ẩn dụ. “Để khác mình hôm qua / Ta chém lên giấy điệp / Những lời nói tự do / Chính mình hay là chết”, (Tình cờ đêm). Đinh Nho Tuấn là người trong tâm hồn có những khát khao, mơ ước về những giá trị phổ quát của loài người, “Đau đớn chi bằng mất tự do”, (Hồ Chí Minh).

Mười ngón chưa đặt tên là bài thơ tình, thể hiện sự khát khao về tình yêu: “Em giấu trái tim sâu trong lồng ngực / Anh không thể chạm / Nhưng mười ngón thiên thần của em / Vùi trong tay anh ấm nóng”.

Mười ngón tay, của bất cứ ai đều hiện hữu trước mắt mình và mắt người yêu. Có thể chưa đặt tên, nhưng có thể “Thoa dịu mái đầu phủ khói và trái tim ngập tràn nỗi đau của anh”. Nhân vật “anh” nhận ra, nhưng bỗng giật mình và ngờ vực “Khi chưa đặt tên cho mười ngón”.

Đó là cách lập tứ, lập ngôn của Đinh Nho Tuấn. Đã yêu, tâm lý chung muốn sở hữu ngay cả cảm xúc, chứ không chỉ là thể xác. Đây là điều rất khó. Đọc bài thơ Mười ngón chưa đặt tên của Đinh Nho Tuấn, người đọc dễ nhớ đến bài thơ Xa cách của Xuân Diệu. Ngón tay để vuốt ve, vỗ về, mơn trớn (chữ của Xuân Diệu) thể hiện tình yêu thương lứa đôi. Phải chăng còn một tầng ẩn dụ về những lời hứa chưa được “kiểm chứng”?

Ngày 24/11/2024

* Đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn.

Bài liên quan
  • Đỗ Thu Hằng, ru vách đêm trong giấc tự trào
    Vách Đêm mang đến đọc giả một sự dẫn dụ vi tế. Nơi sâu thẳm địa đàng, không cần mỹ từ, lời thơ dịu dàng trong veo, ca từ thuần khiết như con người thật của nhà thơ...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn, còn cánh đồng còn lối ta về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO