Gạo Ấn Độ giá vẫn rẻ hơn so với gạo Việt Nam và Thái Lan, song các thương gia cho biết hạ tầng cơ sở cho xuất khẩu của Ấn Độ không thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu với khối lượng lớn.
Gạo 100% B của Thái Lan nhờ đó đã tăng giá lên 540 đô la/tấn, FOB, vào ngày đầu tiên của tháng 3, ngày mùng 1, từ mức 535 đô la một tuần trước đó. Gạo 5% tấm cũng tăng từ mức 525 đô la lên 530 đô la.
Tuy nhiên, các thương gia Thái Lan cho biết việc khách hàng chuyển từ gạo Ấn Độ sang Thái Lan trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế của họ, mua bù chỗ thiếu hụt từ Ấn Độ, còn còn xu hướng dài hạn vẫn không khả quan với giá gạo Thái, bởi giá cao hơn không chỉ so với gạo Ấn Độ mà cả với Việt Nam.
Đầu tháng này, ủy ban chính phủ phụ trách về lúa gạo của Ấn Độ đã xem xét lại tình hình xuất khẩu gạo và quyết định sẽ tiếp tục chính sách miễn thuế xuất khẩu gạo thường, bởi lượng dự trữ còn rất nhiều.
Tương tự như ở Thái Lan, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu tại Việt Nam cũng tăng vào tuần cuối của tháng 2, bởi nông dân hy vọng các công ty thành viên của Vinafood 2 – nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ mua 3,8 triệu tấn lúa đông xuân để tích trữ. Khối lượng đó sẽ chiếm khoảng 1/3 sản lượng mùa này.
Nhân viên của một công ty nước ngoài ở TPHCM cho biết nhiều tàu nhỏ đã bốc xếp gạo ở cảng TPHCM để chở ra phía bắc cho Trung Quốc, hoạt động này cũng hỗ trợ giá tăng vào cuối tháng 2.
Gạo 5% tấm của Việt Nam bước vào tháng 3 đạt mức giá chào 410-420 đô la/tấn, FOB cảng Sài Gòn, so với 400-430 đô la một tuần trước đó, trong khi gạo 25% tấm giá cũng từ mức 375-380 đô la lên 385 đô la/tấn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, HongKong và Đài Loan trong tháng 1 đã tăng gần gấp 3 lên tổng cộng 27.200 tấn, từ mức 10.400 tấn của tháng 1/2011, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu tới 100.000 tấn gạo sang HongKông, chiếm 1/3 tổng lượng gạo nhập khẩu vào Hongkong, từ mức chỉ dưới 1% năm 2007, theo báo Vietnam News dẫn tin từ một quan chức ngành lúa gạo Hongkong trong chuyến thăm Việt Nam.
Tuy nhiên ngay những ngày đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu tại châu Á lại có xu hướng quay đầu giảm, nhất là sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia thông báo sẽ không nhập khẩu gạo năm 2012.
Hôm 2/3 Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia thông báo nước này không cần nhâp khẩu gạo trong năm nay nếu Cơ quan cậu cần quốc gia - Bulong – mua đủ lúa gạo từ nông dân.
Chỉ mới 2 tuần trước đây các quan chức Indonesia thông báo nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Indonesia là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo trung bình người lớn nhất thế giới, và đang đặt mục tiêu dự trữ 4 triệu tấn gạo trong năm 2012, và cần có thêm khoảng 2,6 triệu tấn mới đạt mục tiêu này. Hiện dự trữ gạo Indonesia mới khoảng 1,4 triệu tấn.
Nông dân ở ĐBSCL của Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, dự kiến sắp bước vào lúc cao điểm. Vụ này có sản lượng cao nhất, thường được sử dụng cho xuất khẩu. Mặc dù thị trường lúa gạo những ngày qua có sôi động chút ít, song nhìn chung xu hướng giảm giá vẫn bao trùm.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá lúa khô loại thường tại kho khu vực ĐBSCL hiện dao động từ 5.100-5.300 đồng/kg, song lượng gạo thương phẩm cấp thấp IR 50404 đang còn dư thừa rất nhiều, khó tiêu thụ do nhiều địa phương đã gieo cấy giống lúa này vượt quá 50% diện tích. Với đà này, dự báo giá lúa gạo nội địa trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. Đây chính là thời điểm cần can thiệp ngay vào thị trường bằng việc thu mua tạm trữ. Điều đó sẽ vừa đảm bảo mục tiêu chính trị là nâng đỡ giá lúa cho nông dân, chấp nhận cuộc chơi trung hạn với thị trường thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cân đối lượng gạo xuất khẩu để chỉ đạo các công ty thu mua lúa kịp thời cho bà con nông dân.
Tại công văn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí đủ vốn để VFA thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với lãi suất thấp nhất so với lãi suất cho vay thông thương với thời gian thu mua từ 15/3-30/4/2012 và thời gian tạm trữ là 03 tháng, và đề nghị Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan họp bàn biện pháp trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ khi giá thóc trên thị trường xuống thấp hơn 5000đ/kg.