Phát triển logistics, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

GS.TS. Đặng Đình Đào|20/11/2019 14:06

(VLR) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa dịch vụ và phát triển logistics. Hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thương mại có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển logistics của vùng, đặc biệt là các cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất và cảng Quy Nhơn... Dưới đây là một số giải pháp giúp hoàn thiện hệ thống logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho VKTTĐMT.

Hiện nay, hệ thống logistics VKTTĐMT còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển - từ yếu tố cơ chế, chính sách phát triển , cơ sở hạ tầng logistics, doanh nghiệp logistics đến các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics... Các yếu tố này còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là cơ chế, chính sách chưa tạo được môi trường thuận lợi, đồng bộ cho phát triển logistics, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém làm cho hoạt động logistics hiệu quả thấp và chi phí cao, các doanh nghiệp logistics chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện chủ yếu là các dịch vụ đơn lẻ, nguồn nhân lực cũng còn nhiều hạn chế... Hơn nữa, sự phát triển của hệ thống logistics cũng chưa được quan tâm đúng mức của các tỉnh VKTTĐMT. Tất cả những điều trên làm cho hệ thống logistics VKTTĐMT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng trong vùng. Việc phát triển hệ thống logistics VKTTĐMT như môi trường hậu cần cho tăng trưởng bền vững luôn có một vai trò quan trọng trong hiện tại và tương lai, nhất là khi cả vùng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Theo các chuyên gia, VKTTĐMT đến năm 2030 cứ tăng 1% đóng góp của khu vực dịch vụ logistics thì GRDP toàn vùng tăng lên 0,2244% và đến năm 2045 tăng 0,239% và rõ ràng là VKTTĐMT có nhiều tiềm năng để phát triển logistics, làm tăng GRDP của vùng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để ngành logistics phát triển, thật sự trở thành động lực thúc đẩy VKTTĐMT phát triển cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ sơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, đào tào chuẩn hóa nguồn nhân lực...

Quy hoạch phát triển

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường. Bổ sung, sửa đổi các điều liên quan đến logistics trong Luật Thương mại, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ logistics, để tạo nhận thức toàn diện hơn về bản chất, vai trò và vị trí của logistics. VKTTĐMT cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển logistics đến năm 2030 tầm nhìn 2045 trên cơ sở tích hợp các quy hoạch hiện nay của vùng như quy hoạch phát triển GTVT, kết cấu hạ tầng thương mại... và cả các quy hoạch theo Quyết định 1012-QĐ/TTg về xây dựng các trung tâm logistics, Quyết định 2072-QĐ/TTg về điều chỉnh quy hoạch các ICD để tránh trùng lặp, chia cắt, manh mún. Từ đó đề ra các chính sách phù hợp cho phát triển logistics của vùng và từng địa phương, như: khuyến khích đầu tư logistics, đất đai cho cơ sở hạ tầng logistics nói chung và xây dựng các trung tâm logistics nói riêng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm trong thu hút đầu tư xây dựng cảng biển, trung tâm logistics... tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường cho VKTTĐMT.

Hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có của VKTTĐMT. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hạng 1 theo chuẩn quốc tế tại các điểm kết nối vận tải, thương mại,... trung tâm logistics hạng 2 trên các hành lang kinh tế đường 19, đường 14B, đường 9, đường 8 và 12A với quy mô và tầm nhìn dài hạn hơn so với quy mô trong Quyết định 1012-QĐ/TTg nhằm kết nối các phương thức vận tải đường quốc lộ, đường cao tốc với đường gom tỉnh, thành phố và các huyện, hiện thực hóa liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và doanh nghiệp. “Đừng tháo dỡ” mà phải sớm phục hồi, xây dựng mới đường sắt kết nối với các cảng biển quốc tế trong vùng để tránh ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông như nhiều cảng lớn trong nước đã và đang xảy ra. Đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông mà VKTTĐMT có lợi thế, góp phần giảm áp lực quá tải trên đường bộ, đường hàng không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp

Xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp logistics trong vùng thông qua cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này ở VKTTĐMT với tất cả các loại hình vận tải. Có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nhất là các phương tiện vận tải đường bộ (ô tô), đường sắt, đường thủy vốn đã quá lạc hậu. Với việc quy hoạch, xây dựng bất động sản logistics cho toàn vùng, gồm: các khu công nghiệp logistics, cụm logistics, các trung tâm logistics theo kinh nghiệm quốc tế, chính quyền các địa phương, thành phố VKTTĐMT cần có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp logistics cả trong và ngoài nước vào đầu tư, tập trung vào các khu công nghiệp logistics (làng vận tải hay trung tâm logistics có quy mô lớn) - Mô hình kinh doanh mới mà ở Việt Nam cũng như cả VKTTĐMT đến nay chưa có, để phát triển kinh doanh logistics tại các địa phương và thành phố có lợi thế phát triển các dịch vụ logistics theo hướng logistics xanh, văn minh, hiện đại.

Chú trọng phát triển thị trường cạnh tranh, minh bạch

Phát triển thị trường logistics VKTTĐMT theo hướng cạnh tranh, minh bạch để người tiêu dùng thực sự được hưởng các dịch vụ logistics có chất lượng với giá cả hợp lý. Chỉ có như vậy mới hình thành được tập quán thuê ngoài dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào thực hiện các chức năng cơ bản, cốt lõi góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời thiết lập được các mối quan hệ kinh tế hợp lý, ổn định giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển thương mại điện tử trong nền kinh tế. Nghiên cứu để sớm hình thành thị trường giao dịch thông tin logistics về vận tải hàng hóa quy mô quốc gia và VKTTĐMT. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics phần cứng, cần đổi mới cơ bản các yếu tố của cơ sở hạ tầng phần mềm logistics từ Trung ương đến các địa phương, vùng lãnh thổ, đừng để “cơ sở hạ tầng phần mềm làm hỏng cơ sở hạ tầng phần cứng” đã được đầu tư và phát triển hơn 30 năm nay (từ các chính sách, thực thi chính sách, thủ tục hành chính, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các phần mềm logistics, các quy định, chi phí ngầm...) nhằm tạo môi trường logistics phát triển lành mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đồng thời thu hút được các nguồn hàng mà lâu nay chúng ta rất kỳ vọng từ các nước bạn Lào, Thái Lan, Campuchia... theo các hành lang kinh tế đã được đầu tư, xây dựng nhưng hiệu quả khai thác còn rất hạn chế, chưa tương xứng. Cần giảm bớt các rào cản “vô hình” đối với hàng hóa dịch vụ lưu thông trên thị trường.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Để hệ thống logistics quốc gia và VKTTĐMT vận hành và phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và có sức cạnh tranh cao thì việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics đáp ứng yêu cầu phát triển là rất cấp bách hiện nay. Các trường đại học lớn trong VKTTĐMT như trường Đại học Quy Nhơn, trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế... cần sớm mở ngành đào tạo logistics nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành logistics VKTTĐMT và cho cả khu vực. Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ngành đào tạo logistics nằm trong nhóm ngành quản lý công nghiệp với mã số 7510605 là không phù hợp mà cần tách ra thành một ngành mới với mã số riêng hay ít ra là nằm trong nhóm ngành khối dịch vụ phân phối, lưu thông hợp lý hơn, khoa học hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển logistics, thúc đẩy tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO