Quy định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

01/01/1970 08:00

(VLR) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2012/NĐ-CP, ngày 21/3/2012 quy định về đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2012/NĐ-CP, ngày 21/3/2012 quy định về đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

Theo Nghị định trên, nội dung quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải gồm: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển và luồng hàng hải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến cảng biển và luồng hàng hải; công bố mở, đóng cảng biển; công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải; tổ chức quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải; tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động hàng hải; cứu hộ hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm; xử lý tai nạn hàng hải, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải...

Về yêu cầu chung đối với tàu thuyền vào, ra cảng biển, Nghị định nêu rõ: tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải và mục đích sử dụng chỉ được phép vào cảng biển khi có đủ điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Chậm nhất 2 giờ trước khi tàu thuyền rời cảng, người làm thủ tục phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết tên tàu và thời gian tàu dự kiến rời cảng.

Ngoài ra, tàu thuyền chỉ được phép điều động, neo đậu, di chuyển vị trí trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải khi có Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng biển, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên trực ca, cảnh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt neo, đứt dây buộc tàu, khi dây buộc tàu quá căng hay quá chùng hoặc các nguy cơ gây mất an toàn khác đối với tàu thuyền, hàng hóa và người trên tàu; phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Khi neo đậu trong vùng nước cảng biển, trên tàu luôn duy trì ít nhất 2/3 số lượng thuyền viên của tàu thuyền với các chức danh phù hợp, trong đó phải có thuyền trưởng hoặc đại phó và máy trưởng hoặc máy hai để điều động tàu thuyền hoặc xử lý trong các trường hợp khẩn cấp.

Cũng theo Nghị định trên, khi hoạt động tại cảng biển, luồng hàng hải của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải chấp hành các quy định tại Nghị định này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2012./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quy định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO