Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Báo chính phủ|21/05/2018 16:12

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), từ đó góp phần sớm đưa dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi lăng sớm vào hoạt động, trong tuần vừa qua UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã cùng nhau thống nhất một số chủ trương và biện pháp.

(Vietnam Logistics Review) Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), từ đó góp phần sớm đưa dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi lăng sớm vào hoạt động, trong tuần vừa qua UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã cùng nhau thống nhất một số chủ trương và biện pháp.

Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. - Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 17/5, tại thành phố Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43 km, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Lạng Sơn đối với toàn bộ dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ GTVT sẽ xúc tiến nhanh việc bàn giao những vấn đề liên quan đến quản lý của địa phương vào cuối tháng 5/2018. Song song với đó, tỉnh sẽ chỉ đạo tất cả các cơ quan ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời và GPMB để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Cụ thể, tỉnh đã tổ chức lập trích đo địa chính với những diện tích đất cần thu hồi, đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách minh bạch và kịp thời tới người dân và các tổ chức để nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan ban ngành từ tỉnh, tới xã, phường để tuyên truyền, vận động cho người dân về lợi ích cũng như ý nghĩa của việc nhanh chóng hoàn thành dự án.

Đồng thời, để kết nối chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, hai bên, UBND tỉnh (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ) và nhà đầu tư (Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) sẽ thường xuyên và tăng cường các cuộc giao ban, đối thoại để cập nhật thường xuyên những vướng mắc, “nút thắt” trong cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện để cùng nhau tháo gỡ kịp thời.

Mục tiêu đề ra là tháng 9/2018 sẽ cơ bản hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Dự kiến đoạn cao tốc này cũng sẽ được khởi công vào khoảng thời gian trên và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

“Việc dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho chuyển đổi cơ quan Nhà nước thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn có thể nói là một mô hình mới, nhằm tạo mọi thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện. Chính vì vậy, địa phương sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách phù hợp để dự án hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao, mỹ quan đẹp nhằm sớm đưa vào khai thác, phục vụ cho đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá xuất khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị phát triển”, ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Về phía nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, để thể hiện sự minh bạch và chuyên nghiệp, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với các cơ quan liên quan về quản lý chất lượng, quan kiểm toán… (là cơ quan thứ 3) để kiểm soát, thẩm định toàn bộ từ khâu thiết kế, dự toán đến chất lượng công trình.

Theo đó, để đảm bảo việc thực thi tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trong đó đẩy nhanh tiến độ GPMB, Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã và đang phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện công tác GPMB, tiếp nhận mặt bằng, lập phương án tài chính vay vốn tín dụng với ngân hàng và tạm ứng chi phí GPMB cho địa phương.

Bên cạnh đó, để dự án nhanh chóng đưa vào hoạt động, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, với vai trò là cơ quan thẩm quyền Nhà nước mới của dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cần nhanh chóng cải cách, đổi mới các thủ tục hành chính tại địa phương. Ví dụ, lâu nay 1 văn bản đề nghị hay kiến nghị được giải quyết trong 1 tháng qua 3 cơ quan chức năng có thẩm quyền, thì nay có thể rút ngắn còn 15-20 ngày và qua 1-2 cửa; hay cần giao cho việc giải quyết, quyết định các vấn đề của dự án cho 1 Phó Chủ tịch tỉnh để quy về một mối, 1 cửa…

Minh Thi


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO