Theo Vụ Kế hoạch, trong tháng 4, tình hình sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi khi hiện tượng El Nino gây nắng nóng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng NLTS chủ lực vẫn tiếp đà tăng cao từ đầu năm 2024 do thị trường trong nước và xuất khẩu cơ bản ổn định, người sản xuất có lợi nhuận, quan tâm đầu tư vào sản xuất. Nhờ đó, sản lượng các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu tăng khá.
Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 14,32 tỷ USD; xuất siêu 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%.
Tính riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản giảm 1,5% xuống 730 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu NLTS bốn tháng đạt 14,32 tỷ USD, tăng 13,2%. Trong đó, nông sản gần 9 tỷ USD (tăng 13,5%); sản phẩm chăn nuôi 1,1 tỷ USD (tăng 4,3%); thuỷ sản 820 triệu USD (giảm 4,3%); lâm sản 817 triệu USD (tăng 22,8%); đầu vào sản xuất 2,58 tỷ USD (tăng 21,1%); muối 9,5 triệu USD (giảm 28,1%).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được trong tháng 4 đã có tăng trưởng đáng khích lệ, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.
Trong thời gian tới, các thị trường xuất khẩu NLTS lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển; nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino trong năm 2024.
Đề cập đến vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khu vực Bắc trung bộ dự báo đến giữa tháng 5 cơ bản sẽ kết thúc được hạn hán, Nam trung bộ khá căng thẳng do giữa tháng 5 có mưa tiểu mãn nhưng kết thúc ngay và đến tháng 9 mới có mưa to, khu vưc Tây nguyên có mưa sớm, Tây nam bộ có mưa rải rác. Sản xuất vụ Đông Xuân vừa qua không ảnh hưởng, song vụ Hè Thu hiện tại nhìn chung giảm trên khắp cả nước do khoảng 3-4% diện tích.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị công tác thủy lợi cần đi trước, chủ động theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời Cục Thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Kiểm lâm và Cục Lâm nghiệp tổ chức các tổ công tác địa phương có rừng để kiểm tra, giải quyết các nội dung đang cần thiết, ví dụ như công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá kết quả đồng đều và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, nông thôn trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu điều chỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, theo đuổi và nắm bắt công việc với các mục tiêu cụ thể.
Đối với ‘Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại khu vực ĐBSCL’, Bộ trưởng yêu cầu cần có giải pháp để người nông dân hiểu lợi ích khi tham gia, áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải.
“Việc áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ các-bon chỉ là giá trị gia tăng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.