Cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp Bình Phước

Xuân Túc|13/03/2024 10:20

Năm 2023, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trưởng đến 25,4% đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tăng 10,25% so với cùng kỳ năm 2022. Với mức tăng trưởng này, ngành nông nghiệp Bình Phước đứng đầu các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024” diễn ra chiều ngày 12-3, các đại biểu đã có những nhận định về cơ hội, tiềm năng và cả những giải pháp để Bình Phước phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp.

3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 ngành trọng điểm

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phạm Thụy Luân, Bình Phước luôn xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu. Để từng bước nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

ha-1-binh-phuoc-12032024.png
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân chia sẻ một số định hướng của tỉnh để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI định hướng phát triển nông nghiệp với 3 giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện nghị quyết nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành các đề án: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với đẩy mạnh bảo quản, chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, quốc gia.

Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2030 phấn đấu nâng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 10.800 ha; tỷ lệ trang trại chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; hình thành ít nhất 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 đến 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 - 2.000 ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bình Phước cũng sẽ nỗ lực đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” ra thị trường nước ngoài; duy trì phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ; có ít nhất 1 chỉ dẫn địa lý mới; 200 nhãn hiệu mới; 1 giống cây trồng mới được bảo hộ; phát triển thêm 18 sản phẩm OCOP; cấp được 150 mã vùng trồng lũy kế và 25 mã cơ sở đóng gói lũy kế.

Đối với thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư trồng rau, củ, quả, nuôi cấy mô 200 ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Phú.

Tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư các hạng mục như: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến đồ gỗ, bao bì, chế biến vỏ, ruột xe, nệm cao su… tại các Khu công nghiệp Becamex diện tích 2.450 ha, Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha… Các Cụm công nghiệp Minh Hưng, Nha Bích, Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư các hạng mục như: Chế biến thực phẩm, nước giải khát, tinh dầu từ vỏ điều, hàng thủ công mỹ nghệ, lắp ráp phụ tùng, máy móc, sản xuất tranh đá, tạc tượng, điêu khắc…

“Ngoài ra tỉnh còn kêu gọi, thu hút đầu tư: Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, vi sinh dự kiến 56 ha tại huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh; Nhà máy sơ chế, đóng gói, kho lạnh, chế biến trái cây diện tích 54 ha tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh; Nhà máy cơ khí, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất nông nghiệp khoảng 1.000 ha tại Bù Gia Mập…”, ông Phạm Thụy Luân cho biết thêm.

Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22-10-2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã định hướng phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (heo, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ. Đồng thời có 3 giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ hội phát triển ngành nông nghiệp bền vững

Đồng tình với quan điểm của Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng: Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Khí hậu thuận lợi càng khẳng định Bình Phước là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

ha-2-binh-phuoc-12032024.png
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng trong những năm qua tỉnh Bình Phước đã đạt được những thành tựu to lớn và đã có bước phát triển mới khá toàn diện cả ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng bình quân đạt 8,34%, vượt kế hoạch đề ra là 8%, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so trong cả nước. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ổn định, dần phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn.

ha-3-binh-phuoc-12032024.png
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn đóng góp tích cực hơn vào kinh tế - xã hội của tỉnh

“Các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn đóng góp tích cực hơn vào kinh tế - xã hội của tỉnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Theo Bình Phước Online
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp Bình Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO