Sụp đổ ngân hàng ở Mỹ và kinh nghiệm ở Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Khanh|19/05/2023 09:42

Vừa qua, vụ sụp đổ liên tiếp ba ngân hàng thương mại lớn của Mỹ, gồm: Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate đã làm giới chức hoạch định chính sách quốc tế phải điều chỉnh chính sách tiền tệ và tăng cường truyền thông, giúp củng cố niềm tin trong dân chúng. Qua sự việc này, đâu là bài học cho các ngân hàng thương mại ở Việt Nam?

Từ vụ sụp đổ các ngân hàng ở Mỹ

Đợt sụp đổ lần này là sự cố tài chính lớn thứ hai trong lịch sử ở Mỹ, sau vụ Ngân hàng Washington Mutual phá sản vào năm 2008. Tuy nhiên, khó có chuyện xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng đã xảy ra năm 2008. Bởi lẽ, hệ thống ngân hàng ở Mỹ và hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện nay được vốn hóa tốt hơn nhiều, có mức thanh khoản lớn hơn và thường xuyên được các giám sát viên tài chính sát hạch.

plant-growing-coins-glass-jar-money-green-grass-compressed.jpeg

Sự sụp đổ các ngân hàng vừa qua là do việc tăng lãi suất nhanh chóng của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm 2022, đã tạo ra gánh nặng đến hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế nhằm mục đích hạ nhiệt lạm phát. Bên cạnh đó, nó còn làm giảm giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu mà nhiều ngân hàng thương mại đang nắm giữ. Cụ thể là trường hợp Ngân hàng SVB. SVB phải đối mặt với những vấn đề trái phiếu Chính phủ, khoản vay trái phiếu mất giá và rủi ro tiền gửi không được bảo hiểm cũng như không đa dạng hóa tệp khách hàng. Do vậy, khi một nhóm khách hàng lo lắng họ đến rút tiền sẽ kéo theo rút tiền hàng loạt nhanh chóng mà SVB không thể nào xoay xở kịp.

Theo sau SVB có ít nhất 186 ngân hàng ở Mỹ có nguy cơ sụp đổ. Đây quả là một hiểm họa với nền kinh tế Mỹ. Phân tích tỉ lệ tiền gửi của các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ này cho thấy: Nguồn vốn của họ chủ yếu đến từ những người gửi tiền không được bảo hiểm, tức có tài khoản trên 250.000 USD. Theo quy định, những công ty đăng ký thành viên với Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ được bảo hiểm cho khoản tiền gửi dưới 250.000 USD.

Nếu khoảng 50% người trong số này ồ ạt rút tiền, 300 tỉ USD tiền gửi được bảo hiểm có khả năng gặp rủi ro. Sau khi thanh toán tiền gửi không bảo hiểm, nếu giá trị tài sản ngân hàng không đủ để trả cho những tài khoản còn lại, ngân hàng sẽ bị coi là mất khả năng thanh toán. Tương tự Ngân hang SVB, cơ quan quản lý sẽ đóng cửa ngân hàng và chuyển quyền kiểm soát cho FDIC.

Nổi lên từ vụ việc ba ngân hàng sụp đổ gần như cùng thời điểm ở Mỹ là cách xử lý ấn tượng, nhanh, hiệu quả của chính phủ nước này.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 13/3, những người gửi tiền vội vã rút tiền tiết kiệm, trong khi đó các nhà đầu tư đã bán phá giá cổ phiếu ngân hàng trên diện rộng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Cổ phiếu của First Republic Bank thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3 giảm hơn 60%, ngay cả sau khi ngân hàng cho biết họ đang nhận tài trợ khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) và tiền bổ sung từ Ngân hàng JPMorgan Chase.

Ngay sau khi sự cố sụp đổ ngân hàng xảy ra, trước làn sóng rút tiền ào ạt và bán tháo cổ phiếu ngân hàng của người dân, Chính phủ Liên bang đã chạy đua để trấn an người Mỹ rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn.

Các cơ quan quản lý đã đảm bảo tất cả khoản tiền gửi tại hai ngân hàng. Trong cả hai trường hợp Ngân hàng SVB và Signature, Chính phủ đồng ý chi trả các khoản tiền gửi, ngay cả những khoản tiền gửi vượt quá giới hạn được bảo hiểm của liên bang là 250.000 USD. Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng, hệ thống ngân hàng vẫn an toàn và người dân không phải lo về tiền gửi.

top-view-business-items-with-growth-chart-hands-giving-thumbs-up-compressed.jpeg

Ngoài ra, chính phủ cũng tạo ra một chương trình giải cứu hiệu quả cho các ngân hàng nhỏ khác để bảo vệ các ngân hàng này khỏi tình trạng cạn kiệt tiền gửi.

Fed đưa ra chương trình cho phép các ngân hàng dùng một số chứng khoán chất lượng cao làm tài sản thế chấp và vay từ quỹ khẩn cấp của chính phủ. Bộ Tài chính đã dành ra 25 tỉ USD để bù đắp mọi khoản thiệt hại...

Theo hãng tin Reuters, 11 ngân hàng lớn của Mỹ đã bơm 30 tỉ USD tiền gửi vào Ngân hàng First Republic ngày 16/3 để giải cứu ngân hàng này không bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng lớn do vụ sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ.

Gói giải cứu này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse được vay một khoản khẩn cấp từ Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ trị giá lên tới 54 tỉ USD để tăng cường thanh khoản, phần nào xoa dịu cơn hoảng loạn về cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Và kinh nghiệm ở Việt Nam

Ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện rất đặc biệt. Nếu để ngân hàng thương mại nào phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Kinh nghiệm xử lý của Việt Nam không cho các ngân hàng sụp đổ là mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Sau đó tái cơ cấu ổn định rồi sẽ bán ngân hàng yếu kém giá 0 đồng cho một ngân hàng khỏe mạnh, có tiềm lực tài chính và quản trị chuyên nghiệp để xử lý, cơ cấu lại.

Kinh nghiệm từ việc xử lý 3 ngân hàng OceanBank, CBBank và GPBank. Gần 7 năm qua, dù có nhiều chính sách ưu đãi như khoản vay lãi suất 0%, các ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ về nhân lực, quản trị... nhưng sức khỏe của 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng này vẫn rất “yếu ớt”.

manager-speaks-phone-while-analyzing-some-graphics-monitor-two-screens-compressed.jpeg

Năm 2016, để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á, hàng loạt các biện pháp từng được Ngân hàng Nhà nước đề xuất và đưa ra trong quá khứ như tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...

Trong một báo cáo mới đây, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc. Trong đó, hai ngân hàng “0 đồng” CBBank và Oceanbank đã được Chính phủ lên phương án xử lý và khả năng được chuyển giao cho hai ngân hàng lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB).

Ngân hàng Đông Á cồng kềnh bởi “cục nợ xấu” khá lớn, khiến câu chuyện sáp nhập dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại Nghị quyết 31 của Chính phủ ngày 7/3/2023, Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Theo đó, thêm 2 ngân hàng yếu kém là Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Riêng với SCB, sự cố rút tiền ồ ạt cũng như vụ sụp đổ SVB của Mỹ vào đầu tháng 3/2023. Ngay từ cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này, từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho ngân hàng SCB.

Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB tháng 10/2022 cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sụp đổ ngân hàng ở Mỹ và kinh nghiệm ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO