Tập đoàn Đèo Cả “hiến kế” thúc đẩy phát triển đầu tư hạ tầng giao thông

Quang Thành|19/05/2021 14:32

(VLR) Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 5.000km cao tốc. Để thực hiện mục tiêu này không có cách nào khác phải tăng cường hợp tác nhà nước tư nhân, trong đó hình thức BOT rất quan trọng. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này có dấu hiệu chững lại bởi bài toán kinh tế BOT không rõ, nhà đầu tư phải đối diện nhiều rủi ro. Để cải thiện môi trường đầu tư tất yếu này, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất các phương án cụ thể.

Để đạt được mục tiêu năm 2030 xây dựng được 5.000km cao tốc thì hình thức đầu tư BOT rất quan trọng (Ảnh: DCG)

Để đạt được mục tiêu năm 2030 xây dựng được 5.000km cao tốc thì hình thức đầu tư BOT rất quan trọng (Ảnh: DCG)

Người nêu ra khái niệm mới về “3 chữ P” trong hợp đồng theo phương thức đối tác công - tư là ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. 3 chữ “P” gồm “P vốn ngân sách”, “P vốn chủ sở hữu nhà đầu tư” và “P vốn huy động” có thể không đúng hoàn toàn với khái niệm đã được dịch ra theo nguyên bản tiếng Anh (Public Private Partnerships), tuy nhiên nó phù hợp cho bối cảnh đầu tư xây dựng tại Việt Nam hiện nay.

“Chữ P thứ nhất” - Vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án (gồm ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương), cần sự hỗ trợ của Chính phủ và quyết tâm của địa phương. Khi nhu cầu cao, tiềm năng phát triển có sẵn, một khi sự nỗ lực của chính quyền địa phương để vươn lên tự chủ ngân sách thì việc thực hiện thuận lợi hơn.

“Chữ P thứ hai” - Vốn chủ sở hữu: Chọn nhà đầu tư có uy tín, năng lực hợp vốn với các nhà đầu tư khác. Đặc biệt nhà đầu tư phải có kinh nghiệm tổ chức thi công chuyên nghiệp đảm bảo tiến độ thông qua việc kiểm soát được tổng mức đầu tư và chất lượng công trình. Có những dự án phương án tài chính và doanh thu đặc biệt khó khăn, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư là nhà thầu tham gia thi công để đảm bảo tạo nguồn bù đắp từ hoạt động xây lắp.

Mô hình “3 chữ P” của Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chính là chìa khóa và định hướng triển khai mà chúng tôi đang hướng đến để thực hiện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

“Chữ P thứ ba” - Vốn huy động khác: Là vấn đề then chốt đem lại thành công cho dự án, liên quan đến việc huy động vốn từ các nhà đầu tư khác bằng các hình thức phát hành trái phiếu, hợp đồng BCC… Thông qua việc giao quyền cho địa phương làm cơ quan có thẩm quyền để chủ động đề xuất dự án và thực hiện GPMB, kiểm soát nguồn vật liệu , đặc biệt cơ chế để huy động vốn từ các nhà đầu tư khác, thông qua việc thu hút đầu tư bất động sản, dịch vụ thương mại, logistics… khi các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc hình thành cao tốc thì việc huy động và chia sẻ khó khăn doanh thu lưu lượng ban đầu cho các bài toán hoàn vốn sẽ không quá khó .

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, “2021 - 2030 là giai đoạn mà đầu tư hạ tầng giao thông sẽ phát triển mạnh mẽ khi Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn (các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông). Mô hình “3 chữ P” chính là chìa khóa và định hướng triển khai mà chúng tôi đang hướng đến để thực hiện trong thời gian tới”.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chữ P thứ ba - Vốn huy động khác là vấn đề then chốt đem lại thành công cho các dự án PPP (Ảnh: DCG)

Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chữ P thứ ba - Vốn huy động khác là vấn đề then chốt đem lại thành công cho các dự án PPP (Ảnh: DCG)

Với kinh nghiệm đầu tư thành công nhiều dự án BOT lớn như: hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, “giải cứu” thành công hai dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận… Tập đoàn Đèo Cả khẳng định đầu tư PPP vẫn là giải pháp tối ưu cho hạ tầng giao thông Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư PPP hiện nay còn nhiều bất cập, gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đó là việc cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT, địa phương thực hiện việc cam kết không phải lúc nào cũng đảm bảo như lời mời gọi đầu tư ban đầu, các hợp đồng thường hồi tố. Ví dụ như ở dự án Đèo Cả phần vốn nhà nước tham gia 1.180 tỷ đồng còn thiếu kéo dài chưa được bố trí; cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan theo như hợp đồng dự án BOT đã ký kết chưa được Quốc hội, Chính phủ giải quyết.

Hay với ngân hàng tài trợ vốn khi nhà đầu tư gặp khó khăn khi cơ quan nhà nước cứ xem xét và tiếp tục xem xét các bất cập trong cơ chế hỗ trợ. Ông Hải cho biết, tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - một dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam nhưng lại không được hỗ trợ từ ngân sách như những dự án khác, mặt dù nhà đầu tư đã phải giảm đi một trạm thu phí để tránh ảnh hưởng đến người dân, khiến doanh thu sụt giảm so với phương án tài chính ban đầu.

Luật PPP đã được Quốc hội ban hành và đã có hiệu lực, nhưng để triển khai dự án PPP thành công, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, ngoài việc phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác (BCC) như luật đã quy định, vị đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng các địa phương có lợi thế về tiềm năng bất động sản cần chủ động tạo nguồn vốn thông qua các nhà đầu tư có quyền lợi liên quan như cách làm của UBND tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã huy động cho tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (nhu cầu vốn dự án là 8.500 tỉ nhưng trong thời gian ngắn đã huy động gần 20.000 tỉ đồng). Đó là một cách làm, về cơ bản vẫn cần phải có quỹ đầu tư chuyên biệt cho loại hình PPP.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Đèo Cả “hiến kế” thúc đẩy phát triển đầu tư hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO