Tập đoàn Đèo Cả với nhiệm vụ kép

Ngọc Kiên|20/07/2021 08:37

(VLR) Ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, Tập đoàn Đèo Cả (DCG) - đơn vị đang đảm trách vận hành và thi công nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm trải dài từ Nam ra Bắc đã kịp thời có nhiều phương án hoạt động phù hợp nhằm đảm bảo nhiệm vụ kép: vừa đối phó với dịch bệnh, vừa duy trì ổn định, an toàn công tác vận hành, thi công các dự án.

Tập đoàn Đèo Cả với nhiệm vụ kép: Vừa đối phó với dịch bệnh, vừa duy trì ổn định, an toàn công tác vận hành, thi công các dự án

Tập đoàn Đèo Cả với nhiệm vụ kép: Vừa đối phó với dịch bệnh, vừa duy trì ổn định, an toàn công tác vận hành, thi công các dự án

Cách ly, phân nhóm làm việc độc lập

Từ trung tuần tháng 6/2021 thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng về việc dừng một số hoạt động do dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, thuộc Tập đoàn Đèo Cả) đã khẩn trương khởi động lại các phương án phòng, chống dịch.

Theo đó, DII yêu cầu các đơn vị bố trí lại chỗ ăn nghỉ cho cán bộ công nhân viên để sẵn sàng làm việc tại chỗ, đồng thời yêu cầu toàn thể người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan y tế.

Duy trì ổn định, an toàn công tác vận hành, thi công các dự án

Duy trì ổn định, an toàn công tác vận hành, thi công các dự án

Tại cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Ban điều hành đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của các địa phương xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID cho người lao động, bao gồm trạm thu phí, bộ phận vận hành và khai thác, bộ phận an ninh… Tại đây, Ban điều hành đã thu xếp cách ly tại nhà 37 nhân sự, thường trực làm việc tại trạm 123 nhân sự theo đúng yêu cầu chống dịch của địa phương.

Các đơn vị nằm trong vùng chưa có dịch (xí nghiệp Đèo Cả, Cù Mông, trạm thu phí An Dân, Ninh Lộc…) cũng được yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan y tế và cơ quan có thẩm quyền, tuân thủ “Thông điệp 5K”. Cán bộ công nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, kiểm tra thân nhiệt, báo ngay cho lãnh đạo khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng và các biểu hiện bất thường.

Lãnh đạo các xí nghiệp, trạm thu phí chủ động bố trí chỗ ăn ở cho cán bộ công nhân viên làm việc ứng trực tại đơn vị để đảm bảo an toàn nếu dịch bùng phát.

Tại Tiền Giang, thời điểm hiện tại (ngày 28/6) có 18 ca nhiễm COVID-19 là cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ngoài ra, dự án có hơn 200 người lao động phải thực hiện đi cách ly tập trung và một số gói thầu phải cách ly tại chỗ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để mọi hoạt động ở dự án không bị ngưng trệ, một ê-kíp nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả được điều phối từ các vùng dự án không bị ảnh hưởng dịch bệnh, trám vào các vị trí đang phải cách ly y tế.

Ngay từ những ngày đầu, khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã thành lậpBan chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 để triển khai các phương án làm việc, ứng phó với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Vì thế, khi có hai trường hợp đầu tiên trong hệ thống là người lao động làm việc ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị nhiễm bệnh, Ban chỉ đạo ngay lập tức lập kích hoạt tối đa các phương án chống dịch và lên phương án điều động nhân sự từ nơi khác vào dự án để điều hành.

Hiện nay, ngoài những gói thầu buộc phải tạm dừng thi công do phải đi cách ly tập trung hoặc phải thực hiện cách ly tại chỗ theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, thì các gói thầu còn lại không bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục tổ chức thi công 3 ca.

Đề xuất giải pháp xây dựng cao tốc tại Bình Định

Ngày 25/6/2021, theo lời mời của UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn Đèo Cả đã tư vấn, đề xuất với lãnh đạo tỉnh phương án đầu tư Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Kịp thời có nhiều phương án hoạt động phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, đối phó với dịch bệnh

Kịp thời có nhiều phương án hoạt động phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, đối phó với dịch bệnh

Dù đang phải thực hiện cách ly tập trung, nhưng được sự quan tâm, động viên tinh thần cùng các chỉ đạo sát sao của Chủ tịch HĐQT, và sắp tới đây tới đây toàn bộ cán bộ công nhân viên của dự án được tiêm vắc xin phòng bệnh, nên anh em chúng tôi rất an tâm và tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, chúng tôi cũng đã sẵn sàng “ra trận” khi hết thời gian cách ly và đủ điều kiện của cơ quan chức năng cho phép.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Tại buổi họp, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh về các kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đã, đang triển khai, tại các tỉnh Lạng Sơn, Tiền Giang, Quảng Ninh. Đó là những dự án mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết là mô hình PPP thành công.

Khi luật PPP có hiệu lực tỉnh Lâm Đồng cùng Tập đoàn Đèo Cả đã mạnh dạn tiên phong thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Thông qua những kinh nghiệm đó, ông Hồ Minh Hoàng đã chia sẻ “Quy trình triển khai Dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư” để tư vấn cho tỉnh tổ chức thực hiện dự án.

Theo đó, trong bối cảnh Luật PPP mới ra đời vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện, nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn tín dụng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT ngày càng bị thắt chặt thì giải pháp tối ưu để triển khai dự án là thực hiện theo phương thức “3 chữ P”.

Cụ thể, P1 - Vốn Ngân sách nhà nước, thể hiện sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, thống nhất phương án tuyến, cơ cấu vốn địa phương, Trung ương và vốn cần kêu gọi để định hướng cho việc khai thông huy động vốn. P2 - Vốn Chủ sở hữu, chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính để cùng địa phương lập quy hoạch và quản lý. P3 - Vốn huy động khác, xác định phương án đầu tư, nhu cầu vốn và các tiềm năng, lợi thế của địa phương có dự án đi qua hỗ trợ tạo nguồn đầu tư cao tốc như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics… thuận lợi trong việc kêu gọi vốn.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định sẽ xem xét báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chuyển 27,7km thuộc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nằm trên địa phận tỉnh Bình Định bổ sung vào đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thành 1 dự án và áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam mà Chính phủ đang xem xét phê duyệt để tỉnh Bình Định chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, quản lý vốn ngân sách phù hợp với Luật PPP và Luật Ngân sách.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Đèo Cả với nhiệm vụ kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO