Hoàng Thụy Anh là nhà văn trẻ, chuyên viết lý luận phê bình văn học. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Quảng Bình.
Mảng phê bình – tiểu luận của chị, theo quan sát của tôi cũng nghiêng về thẩm định thơ. Nói như vậy để thấy, chị am tường thơ ca nói chung, thơ viết về phụ nữ nói riêng; thơ của các nhà thơ nói chung, thơ của các tác giả nữ nói riêng.
Bản thân chị đã xuất bản tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa”, NXB Hội Nhà văn năm 2017, để lại dư âm tốt về một phong cách thơ trẻ trung, tìm tòi.
Ngoài tác phẩm này, thơ Hoàng Thụy Anh xuất hiện đều đều trên các báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các địa phương; kể cả trên trang cá nhân của mình. Nhà văn Nguyễn Hoài Nam từng gọi chị là "cường chữ", nghĩa là viết hơn cả một "lực sỹ".
“Khác” là bài thơ được Hoàng Thụy Anh công bố trên facebook vào sáng 29/3/2020. Đã 2 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ bài thơ này. Tất nhiên, thông điệp của bài thơ nguyên đấy, hôi hổi.
“trải đêm làm tấm mành tre/ thấy bóng mình/ treo chật vách/ trải ký ức làm ô cửa nhỏ/ nghe nhành thời gian hư hao/ cọ vào nhau”. Đọc 2 khổ đầu của bài thơ đã nhận ra bóng dáng của một thân phận, một chân dung buồn. Đây không phải là lần đầu tiên, Hoàng Thụy Anh, và tất nhiên cũng không riêng chị sử dụng “bóng đêm” trong thi phẩm.
Trong tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa”, độc giả nhận ra “bóng đêm”, “đêm”...với tư cách là một hình tượng nghệ thuật trong nhiều bài thơ. Với Hoàng Thụy Anh “hình tượng đêm và số phận người đàn bà với bao nỗi đau của kiếp người”, (Trần Hoài Anh). Người đàn bà Việt Nam có những ao ước, khát khao về hạnh phúc chung của “thế giới đàn bà”; tuy nhiên, trong một xã hội còn “bất bình đẳng giới” ngay trong quan niệm, dĩ nhiên “đắng”, “ngọt” nhiều hơn.
Trai gái lớn lên, yêu nhau, mơ ước về một tổ ấm; đó là ước mơ chung. Nhưng người đàn bà yêu khác người đàn ông yêu nhiều lắm đấy. Điều này, trước hết do giới tính quy định, do tâm lý xã hội, trong đó có những định kiến hàng ngàn năm nay được xác lập, chưa hề thay đổi. Đàn bà khát khao hơn, nhưng cũng vì thế, số phận họ bị đẩy về phía mong manh hơn.
Ðau khổ thường bắt đầu bởi yêu thương. Vượt qua đau khổ để củng cố yêu thương. Nhưng con đường không đơn giản, phép biện chứng nhiều khi phi logic.
“trải giấc mơ lên những con đường/ nhớ tiếng bước chân/ lùi về phía sau”, giấc mơ về hạnh phúc của người đàn bà được trải “lên những con đường”. Hơn thế, con đường được hình thành từ bước chân của giấc mơ, vật liệu của giấc mơ, mồ hôi của giấc mơ. Thế nhưng, bất hạnh, nỗi buồn không ai đoán định được. Trong “đêm”, người phụ nữ chỉ “nhớ tiếng bước chân/ lùi về phía sau”. Bước chân không còn chung trên con đường được xây lên, trước hết bằng ước mơ, bằng nỗ lực của hai trái tim khi còn “chung đường” mà ngày càng xa, xa hơn.
Vì thế mà, “trải trái tim lên ngôi nhà sau núi/ bỗng thấy mình là cây khô/ trơ trọi nỗi buồn”. Bản thân ngôi nhà sau núi, giữa thung mây, nơi hoàng hôn về ngủ đã buồn, quạnh quẽ rồi. Người đàn bà hóa thành cây khô, trơ trọi, nỗi buồn có lẽ không chỉ nhân đôi, mà là nỗi buồn bình phương theo chiều thẳng đứng.
Người đàn bà trong “Khác” là người có những mơ ước thánh thiện và trách nhiệm với hạnh phúc. Đó là mẫu phụ nữ truyền thống, công dung ngôn hạnh, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tôi dám chắc như vậy.
Hạnh phúc gia đình là điều mong mỏi của tất cả mọi người, không riêng mong mỏi của người đàn bà này đâu. Không phải tình yêu chân thành nào cũng đi đến bến bờ của hạnh phúc. Hơn ai hết người đàn bà này muốn duy trì ngọn lửa hạnh phúc gia đình, chỉ có tình yêu không thôi thì chưa đủ. Đáng tiếc, cuộc đời không công bằng:
trải ẩn ngữ lên thân thể
biến dạng đêm
biến dạng giấc mơ
phác thảo bức tranh người đàn ông
có gương mặt cũ kỹ
trải tôi
người đàn bà đêm
cạn mình
Đây là hai khổ cuối bài thơ “Khác”. Tất cả nỗ lực của người đàn bà không được đền đáp, dẫu đã “biến dạng đêm/ biến dạng giấc mơ”. “Người đàn bà đêm/ cạn mình”, đã vắt kiệt. Cũng có thể, sau khi đã dâng hiến đến cạn đêm, cạn mình, bị bóc lột đến thế, người đàn bà bị hắt hủi, phản bội? Bài thơ vang lên, thay “cáo trạng” trắc ẩn.
Hoàng Thụy Anh là nhà văn trẻ, thơ chị hiện đại, ẩn dụ, sáng tạo, ngôn ngữ thơ tích hợp; tuy nhiên vẫn đầy nhạc tính, hàm súc và truyền cảm. Tinh thần sẻ chia, làm cho câu thơ của chị ám ảnh. Riêng trong “Khác” còn có ý nghĩa ngoài thông điệp. Tôi nghĩ, cuộc đời người phụ nữ như thân phận người đàn bà trong “Khác”, rất nhiều, rất nhiều đã bị “ruồng rẫy”, nếu không muốn nói bị phản bội. Thế nên, giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới mới trở thành “sự nghiệp” của thế giới văn minh.
Quanh ta, người phụ nữ vẫn là đối tượng để sẻ chia. Hoàng Thụy Anh, dường như, sinh ra để cảm thông. Đừng dễ tin, dễ yêu, được không; phải chăng đó cũng là “thông điệp” gửi nửa nhân loại?
Nguyên văn bài thơ:
Hoàng Thụy Anh
KHÁC
(tặng chị TTH)
trải đêm làm tấm mành tre
thấy bóng mình
treo chật vách(*)
trải ký ức làm ô cửa nhỏ
nghe nhành thời gian hư hao
cọ vào nhau
trải giấc mơ lên những con đường
nhớ tiếng bước chân
lùi về phía sau
trải trái tim lên ngôi nhà sau núi
bỗng thấy mình là cây khô
trơ trọi nỗi buồn
trải ẩn ngữ lên thân thể
biến dạng đêm
biến dạng giấc mơ
phác thảo bức tranh người đàn ông
có gương mặt cũ kỹ
trải tôi
người đàn bà đêm
cạn mình
(*). Câu thơ “cái bóng đã chật vách” trong bài “còn gì thỉnh cầu nữa đâu anh” của HTA.