Trên cung đường ra vào cảng Cát Lái, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa dày đặc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ
Quá tải, thiếu đồng bộ
Trên cung đường “độc đạo” ra vào Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh) với các đường: Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công… cho thấy, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa dày đặc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, nhất là ở nút giao thông Mỹ Thủy. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, trung bình hằng ngày có khoảng 19.000 đến 20.000 lượt xe ô tô, đặc biệt, có ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào Cảng Cát Lái. Hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Cách nút giao thông Mỹ Thủy gần 2,5km là lối vào Cảng Phú Hữu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, đường Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Tư - tuyến đường huyết mạch, kết nối thẳng vào cảng, mỗi lần có 2 xe container tránh nhau chiếm hết cả đường. Anh Hoàng Xuân Trúc, một lái xe container thường xuyên chạy xe trên tuyến đường này cho biết: "Đường Vành đai 2 quá nhỏ hẹp, nút giao thông Mỹ Thủy chưa hoàn thiện nên hay ách tắc, va chạm thường xuyên xảy ra.... Chúng tôi rất mệt mỏi khi đi trên các tuyến đường này".
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản, với hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh cần phải đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường để tăng tính kết nối, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và sức cạnh tranh.
Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, nhiều tuyến đường ra vào các bến cảng hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến vận tải hàng hóa lẫn lưu thông của người dân.
Khẩn trương khắc phục
Cảng biển thành phố Hồ Chí Minh là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1 với sản lượng hàng hóa lưu thông cao nhất cả nước. Chỉ riêng Cảng Cát Lái đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước. Theo dự báo, lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đến năm 2030 đạt 236,9 triệu tấn, trong đó, riêng lượng hàng container khoảng 9,14 triệu teus (đơn vị đo sức chứa của tàu hoặc bến container).
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, nhằm giảm ùn tắc, đồng bộ với hạ tầng xung quanh các cảng biển, mới đây Sở đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét trình các cấp thẩm quyền phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tập trung cho 6 dự án giao thông cấp bách. Trong đó, Sở đề nghị ưu tiên bố trí vốn thực hiện đoạn 6km thuộc tuyến Vành đai 2 đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức; đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, dài 3,5km; đoạn từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,5km. Cùng với đó là thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án nút giao Mỹ Thủy, nhanh chóng hoàn thành các công trình kết nối để kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa từ các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định ra vào Cảng Cát Lái…
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị thành phố đầu tư xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4, mở rộng đường Nguyễn Văn Linh để tổ chức lại giao thông và kết nối khu vực Cảng Tân Thuận và đường Vành đai 2. Còn với Cảng Hiệp Phước, sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Mặt khác, nếu khó cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành phố rà soát, quyết định ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020, nhưng chưa mang tính cấp bách để ưu tiên nguồn lực triển khai 6 dự án trọng điểm kết nối cảng biển nêu trên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa để kết nối với các cảng biển, góp phần giảm bớt áp lực cho đường bộ. Cũng theo đồng chí Võ Văn Hoan, từ ngày 1/7 tới, thành phố sẽ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển để tái đầu tư hạ tầng, nhằm giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu.