Thành ủy TP.HCM đồng ý Đề án xây dựng siêu cảng Cần Giờ hơn 5 tỷ USD

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |11/08/2023 15:54

Theo VietnamNet, Thường vụ Thành ủy yêu cầu UBND TP.HCM sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng quy trình.

can-gio-3-343.jpg
Mô phỏng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sau khi hoàn thành xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ USD.

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa có kết luận về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ. Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy cơ bản thống nhất chủ trương theo báo cáo, đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng TCQT Cần Giờ.

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Thành ủy, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính thuyết phục cao, phù hợp quy hoạch, định hướng của Trung ương và thành phố, phát huy hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng.

Bên cạnh đó, lưu ý bổ sung các căn cứ, yếu tố lịch sử, dự báo khả năng có thể xảy ra và chủ động có phương án hạn chế tối đa các tác động tiêu cực (môi trường sinh thái, đời sống dân cư...) khi triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND TP sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định.

Quá trình triển khai thực hiện, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương. Nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các vấn đề vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.

Cảng TCQT Cần Giờ dự kiến được xây tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.

Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của thành phố.

Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571 ha, trong đó hơn 100 ha là vùng nước hoạt động cảng. Khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 TEU), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 TEU).

Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).

Theo UBND TP, khi xây dựng cảng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Được biết, tháng 11/2021, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Pháp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container hàng đầu thế giới - đã tham gia buổi làm việc của Thủ tướng với một số tập đoàn hàng đầu của Pháp, châu Âu và ký Thỏa thuận khung hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Tại đây, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho VIMC và nhóm nhà đầu tư trong 10 năm tới huy động nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD và thu hút hàng hoá từ các nước khác về Việt Nam, biến nước ta trở thành khu vực trung chuyển hàng hoá quốc tế.

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch VIMC, việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, lan tỏa, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, tài chính, các loại dịch vụ hàng hải....

"VIMC và MSC đã và đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng TCQT tại khu vực Cần Giờ có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570 ha. Công suất thiết kế 15 triệu TEUS", ông Sơn cho biết.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Chủ tịch VIMC khẳng định: "Phát triển cảng TCQT tại Cần Giờ góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018".

Bài liên quan
  • Quy hoạch cảng biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
    (VLR) Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương hoàn thiện, dự kiến tổng kinh phí khoảng 300.000 - 320.000 tỷ đồng, trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 57.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thành ủy TP.HCM đồng ý Đề án xây dựng siêu cảng Cần Giờ hơn 5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO