Thế quyền là quyền do luật định và bao gồm cả quyền tố tụng. Nếu trong hợp đồng giữa bên mua bảo hiểm (BMBH) và bên thứ ba (người gây ra thiệt hại) có thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận này cũng ràng buộc bên nhận chuyển giao (doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH)), nghĩa là bên nhận chuyển giao có quyền đưa tranh chấp ra trọng tài thương mại để giải quyết.
Thế quyền có thể theo thỏa thuận giữa BMBH và DNBH. Ví dụ, Quyết định số 65/2007/QĐST - KDTM ngày 31/5/2007 của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội trong vụ tranh chấp giữa DNBH và người vận chuyển gạo từ Việt Nam đi Cu Ba. Sau khi bồi thường cho chủ hàng, DNBH thế quyền và kiện người vận chuyển ra Tòa. Việc thế quyền này phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, DNBH thế vào vị trí của BMBH đối với hợp đồng mà BMBH xác lập với người vận chuyển.
Thế quyền cũng có thể theo quy định của luật mà không cần thỏa thuận giữa DNBH và BMBH. DNBH thế vào vị trí của BMBH để yêu cầu người thứ ba bồi thường thiệt hại. Việc thế quyền này không cần có thỏa thuận của DNBH và BMBH. Tòa án đã vận dụng trong vụ tranh chấp giữa DNBH và bên gây thiệt hại cho BMBH qua Bản án số 125/2010/KDTM-PT ngày 14/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội rằng chủ hàng vừa ký hợp đồng vận chuyển vừa ký hợp đồng bảo hiểm lô hàng và được DNBH bồi thường tổn thất; theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Bộ luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm thì DNBH đã thế quyền của chủ hàng để kiện người vận chuyển. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải” là đúng.
Giả sử trong hợp đồng vận chuyển có điều khoản trọng tài, sau khi DNBH bồi thường và thế quyền của chủ hàng, pháp luật Việt Nam quy định tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài chứ không phải tại Tòa án vì đã có thỏa thuận trọng tài. Cụ thể, theo điểm d khoản 2 Điều 16 Luật trọng tài thương mại, khiDNBH thế quyền của BMBH, các bên phải viện dẫn tới hợp đồng, đó là hợp đồng vận chuyển, và như vậy, giữa DNBH và Người vận chuyển có thỏa thuận trọng tài.
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP (khoản 3 Điều 7) của Hội đồng thẩm phán cũng quy định rõ về vấn đề này. Theo khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại, ở đây, có thỏa thuận trọng tài nên Trọng tài có thẩm quyền.
Luật của một số nước như Pháp, Bỉ cũng cho rằng người nhận thế quyền thay thế người giao thế quyền và Trọng tài có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp. Ví dụ, trong vụ Công ty Nemesis vận chuyển gạo từ Trung Quốc và Việt Nam đến Abidjan, Monrovia et Freetown, người vận chuyển và người nhận gạo có thỏa thuận trọng tài. Gạo bị hư hỏng, DNBH bồi thường và kiện người vận chuyển tại Tòa án Pháp. Tòa phúc thẩm đã chuyển vụ kiện tới Trọng tài với lý do DNBH thế quyền của người nhận gạo nên đã có thỏa thuận trọng tài. Tòa án tối cao Pháp chấp nhận cách giải quyết của Tòa phúc thẩm. Ngoài ra, dưới đây là một ví dụ chi tiết hơn, theo tài liệu của Văn phòng Luật Quốc tế, Luân Đôn, ngày 21/9/2016.
Tóm tắt sự việc
Gần đây, một DNBH đã kiện chủ tàu đòi bồi hoàn số tiền đã trả cho bên mua bảo hiểm sau khi BMBH phải trả thêm tiền cước vận chuyển cho chủ tàu. Hàng hóa của BMBH đã được vận chuyển vào tháng 1 năm 2013 từ cảng Thượng Hải đến cảng Paranagua. Tuy vậy, vào tháng 3 năm 2013, máy chính của tàu bị hỏng cách đảo Sumatra 80 hải lý về phía tây - bắc và tàu được kéo đến cảng gần nhất là Jurong của Singapore. Tổn thất chung được tuyên bố sau khi xác định chắc chắn rằng việc sửa chữa phải mất vài tháng. Do đó, DNBH đã thu xếp một hợp đồng vận chuyển mới để chuyên chở hàng hóa đến Paranagua.
Sau khi hoàn trả cho BMBH số cước phí vận chuyển bổ sung mà họ (bên mua bảo hiểm) đã thanh toán cho người vận chuyển, DNBH đã thế quyền của BMBH và đệ đơn kiện chủ tàu đòi bồi hoàn số cước vận chuyển bổ sung. Vụ kiện được Tòa án Dân sự Thứ tư Sao Paulo thụ lý.
Trong bản biện hộ (bản tự bảo vệ), chủ tàu viện dẫn điều khoản tài phán trong vận đơn quy định rằng, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ việc vận chuyển phải được đưa ra trọng tài ở Luân Đôn. Chủ tàu lập luận thêm rằng, DNBH với tư cách là người được thế quyền về mặt pháp lý của BMBH - như thể họ là bên ký kết hợp đồng vận chuyển đường biển - do đó, họ phải tuân theo những thỏa thuận mà BMBH đã đồng ý. DNBH bác bỏ quan điểm về việc họ được coi là có thỏa thuận về điều khoản trọng tài và cho rằng, DNBH không phải là một bên của hợp đồng vận chuyển, vì vậy, điều khoản tài phán (trong vận đơn) không được áp dụng. Thay vào đó, DNBH lập luận rằng, các tòa án Brazil - nơi DNBH và bị đơn có trụ sở - mới có quyền xét xử (tài phán).
Bản án của toà phúc thẩm
Vào tháng 4 năm 2016, Tòa đã ra bản án, theo luật dân sự Brazil, đó là khi trả tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm, DNBH được thế quyền và nghĩa vụ của BMBH trong phạm vi của hợp đồng phụ (subjacent contract) mà DNBH có quan hệ pháp luật với BMBH. Do đó, khiếu nại về quyền xét xử ở Brazil đã bị tòa sơ thẩm bác bỏ theo điều khoản trọng tài có trong vận đơn. Khi kháng án, bản án vẫn được giữ nguyên. Tòa phúc thẩm Sao Paulo (the 38th Chamber of the Sao Paulo Court of Appeals) đã ra phán quyết, theo đó, bằng cách thế quyền, DNBH phải tiếp nhận và tuân thủ toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan của BMBH trong hợp đồng phụ [hợp đồng vận chuyển] bao gồm cả điều khoản trọng tài của hợp đồng vận chuyển.
Nhận xét
Phán quyết này hình thành một tiền lệ quan trọng, đặc biệt là vì nó cho thấy hiệu lực của Bộ luật Tố tụng Dân sự mới, trong đó ưu tiên các tiền lệ tư pháp. Phán quyết này cũng thúc đẩy yêu cầu đối với các DNBH là phải đánh giá mọi vấn đề và giới hạn của hợp đồng vận chuyển có liên quan mà BMBH đã ký kết trước khi cấp đơn bảo hiểm.