Thu phí hoàn vốn Hầm đường bộ Đèo Cả: Những bất cập cần được tháo gỡ

13/03/2018 08:17

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Việc hoàn thành đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả đã mang lại lợi ích to lớn, lâu dài trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thu phí hoàn vốn, nhà đầu tư gặp phải những bất cập từ các định chế, có nguy cơ dẫn đến mất cân đối thanh toán nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký kết.

(Vietnam Logistics Review) Việc hoàn thành đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả đã mang lại lợi ích to lớn, lâu dài trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thu phí hoàn vốn, nhà đầu tư gặp phải những bất cập từ các định chế, có nguy cơ dẫn đến mất cân đối thanh toán nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Bình yên qua hầm đường bộ đèo cả

Những ngày Tết Đinh Dậu (2017) tình hình trật tự ATGT trên cả nước có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong 2 ngày mùng 01 - 02 Tết đã xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 34 người chết và 35 người bị thương. Tuy nhiên, tại cung đường Đèo Cả, Tết năm nay hầu như không xảy ra vụ TNGT đáng kể nào.

Sau khi thông hầm đường bộ Đèo Cả, nhà đầu tư đã tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án này theo đúng chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Từ đây, các phương tiện giao thông khi qua Đèo Cả có hai lựa chọn: đi hầm hoặc đi đường đèo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện đường dài đều chọn phương án qua hầm. Anh NVL, một tài xế lái xe tải chạy tuyến Nha Trang – Quy Nhơn cho biết, anh vẫn thích chọn qua hầm vì, thứ nhất sẽ rút ngắn hành trình, tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn phương tiện và nhất là khỏi lo TNGT. Còn anh VVH, một lái xe thường xuyên đi tuyến Phú Yên – Nha Trang và ngược lại cũng cho rằng, qua hầm tốn phí một chút, nhưng bù lại sẽ có rất nhiều cái lợi khi không phải qua đèo.

Đèo Cả là một trong những cung đường nguy hiểm nhất trên quốc lộ 1A qua miền Trung. Với 12km qua núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn nên năm nào tại đây cũng xảy ra trên 10 vụ TNGT nghiêm trọng. Đó là chưa nói đến về mùa mưa đèo thường xuyên sạt lở gây tắc đường. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, việc đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả đã rút ngắn quãng đường khoảng 9km, giảm 30 phút hành trình so với đường đèo cũ. Đặc biệt là đảm bảo ATGT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và khu vực. Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, sau gần nửa tháng miễn thu phí, kể từ ngày 03.9.2017, các phương tiện khi qua hầm đường bộ Đèo Cả đã bắt đầu trả phí. Theo đó, đối với vé lượt, thấp nhất 52.000 đồng/lượt/ xe và cao nhất 200.000 đồng/lượt/xe. Mức giá thu phí phù hợp với Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT và thấp hơn mức giá đã được Bộ chấp thuận trong phương án tài chính (PATC) của dự án.

Nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Theo Quyết định phê duyệt Phương án tài chính số 3107/ QĐ-BGTVT tháng 10.2016, dự án Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã; hầm Cù Mông và Hải Vân) có tổng vốn đầu tư là 26.154 tỷ đồng. Trong đó, hầm Đèo Cả và Cổ Mã là hạng mục lớn và quan trọng nhất của dự án, với tổng mức đầu tư 13.011 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 9.2017, vượt tiến độ 04 tháng.

Hạng mục hầm đường bộ Cù Mông có tổng mức đầu tư 4.627 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, hiện nay tất cả các gói thầu đã triển khai đồng loạt. Riêng đường hầm đã được đào thông ngày 16.01.2018. Dự kiến sẽ hoàn thiện đưa hầm này vào khai thác trong tháng 12.2018, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra. Hạng mục hầm Hải Vân (bao gồm nâng cấp sửa chữa hầm Hải Vân hiện hữu và cải tạo, sửa chữa 25km QL1 qua đèo Hải Vân) có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 01.2018 đã hoàn thành giai đoạn 1 (sửa chữa, nâng cấp thiết bị tại hầm Hải Vân 1). Các gói thầu thuộc giai đoạn 2 (thi công mở rộng hầm Hải Vân 2) đã thi công được hơn 2.000md /6.280md, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 12.2020.

Nguy cơ mất cân đối thanh toán nợ với các hợp đồng tín dụng

Kể từ ngày 03.9.2017, các phương tiện khi qua Hầm đường bộ Đèo Cả đã bắt đầu trả phí. Theo đó, đối với vé lượt, thấp nhất 52.000 đồng/ lượt/xe và cao nhất 200.000 đồng/lượt/xe. Mức giá thu phí phù hợp với Thông tư 35/2016/ TT-BGTVT của Bộ GTVT và thấp hơn mức giá đã được Bộ chấp thuận trong phương án tài chính của dự án.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác và tổ chức thu phí, dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã nảy sinh một số bất cập. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế giai đoạn 2010 – 2015 làm cho hàng loạt các dự án lớn như Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên), Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), Khu kinh tế Vân Phong… đến nay đều chưa triển khai, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương trong phạm vi dự án dẫn đến lưu lượng dòng xe thực tế qua hầm Đèo Cả sụt giảm so với dự báo trong PATC đã được Bộ GTVT phê duyệt. Nếu tính thời gian từ 03.9.2017 đến 25.10.2017, trung bình mỗi ngày đêm chỉ có 4.700 xe qua hầm, giảm 47% so với dự báo trong PATC.

Do hiện tại trạm thu phí tại hầm đường bộ Đèo Cả đang bị khống chế bởi PATC được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 3107/QĐ BGTVT tháng 10.2016, với mức gá 60.000 đồng/ lượt/xe con. Mức giá này thấp hơn nhiều so với biểu mức giá Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu và đệ trình Bộ GTVT tại văn bản số 8421/TCĐBVN-TC ngày 29.12.2017. Chính vì vậy, cộng với việc lưu lượng phương tiện giao thông bị sụt giảm trong khu vực dự án, cùng với giá vé chưa phù hợp với tổng mức đầu tư hầm đường bộ dẫn đến doanh thu tại trạm thu giá trước Hầm đường bộ Đèo Cả giảm 48%.

Được biết, từ giữa tháng 9.2017 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã gửi nhiều văn bản lên Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan đề nghị tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt là việc kiến nghị Bộ GTVT cho tiến hành xác định lại lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm hầm đường bộ Đèo Cả từ khi bắt đầu thu phí tới nay và kiểm đếm lại doanh thu thực tế đã thu để làm cơ sở cho việc điều chỉnh PATC và thông tư 35/2016/ TT-BGTVT. Tuy nhiên mọi kiến nghị vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề ngày 01.02.2018, ông Hồ Minh Hoàng tỏ bày.

Cũng theo ý kiến nhà đầu tư, nếu trường hợp biểu mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo dự thảo sửa đổi Thông tư 35/2016 được thông qua và áp dụng đối với các dự án hầm đường bộ - trong đó có dự án hầm Đèo Cả, sẽ dẫn đến việc không đảm bảo PATC, gây phá sản đối với các nhà đầu tư BOT về hầm đường bộ do mất cân đối thanh toán nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thu phí hoàn vốn Hầm đường bộ Đèo Cả: Những bất cập cần được tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO