Thủ tướng Phạm Minh Chính và những chỉ đạo ở dự án sân bay Phan Thiết

Bảo Hân (tổng hợp)|31/08/2022 08:15

Chiều 30/8, trong chương trình công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, tháo gỡ ngay tại hiện trường các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra với dự án này.

img9189-16618598464751345805781.jpg
Tại hiện trường dự án, sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải quyết các ngay các khó khăn, vướng mắc đặt ra với dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cảng hàng không Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp, phía đông bắc thành phố Phan Thiết, cách trung tâm thành phố khoảng 19 km và cách khu du kịch Hàm Tiến, Mũi Né chỉ khoảng 8 km. Vị trí Cảng rất thuận lợi trong việc tiếp cận các trục giao thông chính của tỉnh cũng như tuyến Quốc lộ 1.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, sân bay Phan Thiết là Cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Bộ Quốc phòng là cơ quan có thẩm quyền đối với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng.

Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay và đài dẫn đường đã cơ bản hoàn thành; các nhà thầu đang khẩn trương san lấp mặt bằng, thi công đường băng, đường lăn; nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đang phối hợp triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết là động lực phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc nhờ đường bay thẳng. Sân bay này hoàn thành cũng là một cú hích, mang một lượng khách lớn đến trải nghiệm tại các dự án đô thị du lịch trên địa bàn tỉnh, đơn cử như NovaWorld Phan Thiết- siêu thành phố biển du lịch sức khoẻ có quy mô đến 1.000 ha, góp phần ghi dấu Bình Thuận trên bản đồ thế giới và khu vực.

Tại hiện trường dự án, sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải quyết các ngay các khó khăn, vướng mắc đặt ra với dự án.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận di dời sớm các công trình điện, hạ tầng để có mặt bằng, đồng thời chậm nhất tháng 12/2022 phải hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng; rà soát lại, giải quyết vấn đề liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm vật liệu cho dự án, hoàn thành trong tháng 10/2022.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này, nếu chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục triển khai, nếu không đáp ứng yêu cầu thì tiến hành đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng và giảm giá thành; phấn đấu hoàn thành các công trình dân dụng trong năm 2023 để bảo đảm hoàn thành, khai thác đồng bộ với các công trình đã giao quân đội làm chủ đầu tư.

Thủ tướng cũng cho ý kiến giải quyết vướng mắc liên quan tới quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan) và xây dựng sân bay theo hướng lựa chọn phát triển xanh, bền vững; đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển, khai thác nguồn điện mặt trời, điện gió ngay trong khu vực để bảo đảm điện cho sân bay hoạt động.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; triển khai theo quy hoạch; đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Theo Bộ GTVT, hiện cả nước đang khai thác 22 trong số 23 sân bay theo quy hoạch, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay quốc nội. Còn sân bay Phan Thiết đang triển khai đầu tư.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 các sân bay phục vụ khoảng 275,9 triệu người và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn này ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội, vùng TP.Hồ Chí Minh.

Quy hoạch cho biết sẽ từng bước nâng cấp 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết) để cả nước khai thác 28 sân bay, tổng công suất 283 triệu hành khách vào năm 2030, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km (hiện nay là 86%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và những chỉ đạo ở dự án sân bay Phan Thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO