Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến Trần Đề

Báo Giao thông|04/11/2019 08:28

(VLR) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề để tổ chức thẩm định.

Việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho kinh tế vùng ĐBSCL phát triển

Việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho kinh tế vùng ĐBSCL phát triển

Giảm chi phí vận tải hàng hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT liên quan việc điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký nêu rõ, xét đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ liên quan về việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện nội dung điều chỉnh để tổ chức thẩm định cùng với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng giao tại quyết định số 995 năm 2018.

Trước đó, tại các cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện cả phía Đông và phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có cảng tổng hợp lớn nào. Các cảng biển chủ yếu là cảng nội địa phụ thuộc vào các sông như: sông Tiền, sông Hậu, sông Gành Hào, chưa có cảng ngoài bờ biển.

Hiện hàng hóa XNK từ ĐBSCL vận chuyển ra nước ngoài chỉ có hai cách: hoặc chuyển sang cảng Cần Thơ rồi tiếp tục đưa lên Cái Mép - Thị Vải, hoặc từ Cần Thơ phải trung chuyển sang Singapore để đưa hàng hóa đi các nước. Điều đó khiến hàng hóa XNK của vùng phải gánh thêm đủ loại phí, sức cạnh tranh của hàng hóa vì thế mà giảm đi đáng kể. Do đó, việc hình thành một cảng biển lớn, tạo đột phá cho toàn vùng ĐBSCL là rất cấp thiết.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu cảng biển lớn được hình thành tại Sóc Trăng, toàn bộ hàng hóa XNK sẽ được vận chuyển với cự ly gần hơn, giảm chi phí vận tải, hàng hóa có thể bán được lợi nhuận cao hơn, đời sống của người dân được cải thiện hơn.

Cảng biển Sóc Trăng đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo phương án CTCP tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) trình Bộ GTVT, cảng biển Sóc Trăng sẽ đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính được đề xuất hình thành tại một trong 2 vị trí: tại cửa Trần Đề hoặc tại cửa Mỹ Thanh. Mục tiêu khi đi vào hoạt động là đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT.

Khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, đường bờ dài 20km, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng từ -10m đến -12m.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án quy hoạch cảng Trần Đề. Phương án 1, bao gồm: xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km. Phương án 2, các hạng mục xây dựng bao gồm: đê chắn sóng, cát dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km.

Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho tất cả các hạng mục khoảng hơn 4,1 tỷ USD được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Kinh phí này được Bộ GTVT chủ trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến Trần Đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO