Một đoạn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành mở rộng lên 6 làn xe
Án ngữ ngay cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, dự án xây dựng đường trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long giữ vao trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm TP. Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh khu vực phía Bắc. Sau hơn 5 tháng kể từ khi khởi công, dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước) đạt được nhiều kết quả khả quan về tiến độ thi công.
Theo ghi nhận, suốt chiều dài hơn 5km của dự án, trên những đoạn tuyến đã có mặt bằng, các nhà thầu đã tiến hành quây kín bằng hàng rào thép, tôn để lấy công địa thi công. Phía trong, hàng trăm công nhân, dây chuyền thiết bị, máy móc khổ lớn của các nhà thầu CIENCO4 - Sumitomo (gói 1) và Tokyu - Taisei (gói 2) đang vận hành hành hết công suất để thi công cọc khoan nhồi, đóng cọc ván thép, đổ bê tông thân trụ…
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tiến độ thi công hai gói thầu của dự án đang đảm bảo theo yêu cầu. Trong đó, gói thầu số 1 do liên danh CIENCO4 - Sumitomo thi công đã thi công được 162/596 cọc khoan nhồi, 10/61 bệ trụ, 7/61 thân trụ… Tương tự gói thầu số 2 của liên danh Tokyu - Taisei đã thi công cọc khoan nhồi được 267/564 cọc, thi công chế tạo được dầm Super-T đạt 44/568 phiến, 6/59 bệ thân trụ và 6/59 thân trụ.
“So với kế hoạch được cập nhật trên cơ sở mặt bằng hiện có, tiến độ thi công của hai gói thầu đều đảm bảo”, ông Roãn nói và cho biết, vướng mắc lớn nhất của dự án là công tác bàn giao công địa thi công của địa phương vẫn chưa hoàn thành.
Theo ông Roãn, công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long không yêu cầu giải phóng mặt bằng, tuy nhiên hiện nay, UBND TP. Hà Nội cũng đang đầu tư xây dựng dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội quản lý dẫn tới hai dự án có sự chồng lấn về công địa. Tính đến nay, dự án cầu cạn Mai Dịch mới tiếp nhận mặt bằng thi công được 4.489/5.367m, còn lại khoảng 800m mặt bằng chưa được tiếp nhận, tập trung chủ yếu tại gói thầu số 1.
Ghi nhận nỗ lực của đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị Ban QLDA Thăng Long tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác.
Để đạt được mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao 800m mặt bằng phục vụ thi công dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, chậm nhất đến 31.12 hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng. “Trường hợp sau ngày 31.12, các đoạn tuyến còn lại tiếp tục không được bàn giao công địa, đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan liên quan bàn giao nguyên trạng mặt bằng để Ban QLDA Thăng Long triển khai thi công trước phần cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, sau đó sẽ hoàn trả lại cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội thi công phần mở rộng đường vành đai 3 bên dưới”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Trước 30.12, hoàn thành cao tốc 6 làn xe Pháp Vân - Cầu Giẽ
Rời công trường cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Báo cáo Bộ trưởng, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đến nay, trên tuyến chính của dự án đã thi công mở rộng được 55,7/57,9km, đạt 96%, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ hệ thống ATGT, đường gom và xử lý lún các vị trí đầu cầu, đầu cống.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án, ông Khôi cho biết, hiện trên tuyến chính còn 3 điểm chưa bàn giao mặt bằng chính thức nhưng nhà đầu tư đã làm việc với địa phương và các hộ dân để thuê mặt bằng thi công. Đối với hệ thống đường gom đã giải phóng mặt bằng được 55,35/57,9km, đạt 95,6%, còn vướng mắc khoảng 2,5km với 19 vị trí chưa được bàn giao.
“Những vấn đề còn tồn tại về mặt bằng, ngày 14.11.2018, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện. Với tình hình hiện tại, đến 30.12.2018, địa phương sẽ bàn giao hết mặt bằng đường gom cho nhà đầu tư thực hiện”, ông Khôi nói.
Đánh giá dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Nam TP. Hà Nội, Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cơ bản hoàn thành tuyến chính và gia cố đất yếu, xử lý lún đầu cầu, đầu cống trước 31.12.2018 và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống ATGT trước Tết Âm lịch 2019 để phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện an toàn.
“TP. Hà Nội cần chỉ đạo chính quyền các địa phương còn tồn tại các vị trí vướng mắc về mặt bằng trên đường gom khẩn trương bàn giao cho nhà đầu tư trước 30.12.2018 để các nhà thầu thi công hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường gom trước 30.4.2019”, Bộ trưởng đề nghị.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu phương án kết nối tạm để giảm tải ùn tắc cho nút giao Pháp Vân và các cơ quan của Bộ GTVT đẩy nhanh phê duyệt các thủ tục để nhà đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng trước Tết Âm lịch 2019.