Thương mại điện tử nắm bắt cơ hội từ đại dịch

Hoài Nhân|21/10/2021 09:14

(VLR) Bất chấp những khó khăn, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19, thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần nối liền chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19 đã làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại từ 1 - 2 năm so với kế hoạch đến 2025…

COVID-19 tạo nên bức tranh hoàn toàn mới về TMĐT

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, cụm từ TMĐT, kinh tế số trở nên nóng hơn bao giờ hết. COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, COVID-19 được xem như là một cú huých lớn thúc đẩy sự tăng trưởng của TMĐT, kinh tế số và trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, định hình và làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng khi chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT.

Phát biểu tại tọa đàm cấp cao với chủ đề “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” vừa diễn ra hôm 16/9, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ: “Dịch COVID-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại từ 1 - 2 năm so với kế hoạch đến 2025”.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam là từ 25% - 30%/năm. Doanh thu B2C của TMĐT Việt Nam đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên thành 11,8 tỷ USD trong năm 2020. Đây là những số liệu rất lạc quan của kinh tế số Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, quy mô doanh thu B2C trong TMĐT Việt Nam là 35 tỷ USD, chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ trên cả nước. Ước tính năm 2020, lượng tiền bỏ ra cho mua sắm trực tuyến của mỗi người dân Việt Nam là 240 USD/người/năm. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 600 USD/người/năm trong năm 2025.

Giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT, kinh tế số

Mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính, viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: Môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số... Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng Giám đốc Grab Việt Nam đề xuất nên đẩy mạnh hợp tác công - tư giữa Chính phủ và doanh nghiệp để vận dụng nền tảng công nghệ, nhằm duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Đồng thời, cần có sự thống nhất trong việc nhìn nhận về vai trò của shipper như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nhiều tỉnh/thành, địa phương đã có những chính sách hỗ trợ tích cực cho hoạt động của shipper. Ở nhiều nước, đội ngũ shipper được xem như một phần của lực lượng chống dịch tuyến đầu.

Nghị quyết 52-NQ /TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.

Để xây dựng những giải pháp đột phá và tận dụng tốt cơ hội phát triển TMĐT trong thời gian tới, dưới góc độ đơn vị duy trì chuỗi cung ứng, bà Vân đưa ra 2 vấn đề. Thứ nhất là cần có chính sách thúc đẩy TMĐT để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia nhanh nhất vào làn sóng này vì đây là nhóm đối tượng có thể đi len lỏi rất sâu vào môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng tại Việt Nam.

Thứ hai là vấn đề thanh toán không tiền mặt, đây sẽ trở thành đòn bẩy lớn cho sự phát triển, đặc biệt trong điều kiện hoạt động an toàn khi sống chung dịch bệnh. Số liệu của Grab cho thấy có đến 45% người dùng Grab sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tháng 8 năm ngoái, số lượng người lần đầu tiên tiếp xúc thanh toán không tiền mặt trong các dịch vụ trên Grab đã tăng tới gần 30% so với tháng trước đó. Chính vì vậy, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT, đại diện của Tiki - ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Marketing chia sẻ, Tiki là doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động 10 năm, trên cơ sở đó, doanh nghiệp số cần có 3 “trụ” chính cần bám vào để phát triển TMĐT đó là chính sách, công nghệ, con người vận hành. Về mặt chính sách đã được cởi mở rất nhiều, song với việc kinh tế số đang phát triển rất nhanh thì các chính sách cần có các hướng dẫn cụ thể khi ban hành. Từ đó giúp các doanh nghiệp không bị “lạc lối” và không hiểu sai về mặt chính sách.

Về mặt công nghệ, mặc dù không có lợi thế về nguồn lực, nhưng Tiki là đơn vị đã áp dụng tất cả các công nghệ mới nhất như điện toán đám mây, AI, thậm chí đã thử nghiệm về công nghệ robotics với kho bãi của Tiki.

Riêng về yếu tố con người, Tiki cũng đang tiến hành những chiến dịch quan trọng như “Từ trang trại đến bàn ăn” của khách hàng, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội và TP. HCM, tuy nhiên, điều này sẽ cần đến việc áp dụng công nghệ từ bà con nông dân, tạo nên một nguồn lực chung cho toàn bộ nền kinh tế số. Ông Long hy vọng những rào cản này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử nắm bắt cơ hội từ đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO