Tiện ích với thẻ thanh toán xăng dầu điện tử

Quang Anh|13/10/2020 09:38

(VLR) Tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì hình thức thanh toán xăng dầu điện tử đã dần trở nên phổ biến. Thay vì sử dụng các phiếu đổ xăng thông thường, hiện nay người dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong việc thanh toán chi phí xăng dầu như: PVOil Easy, F-Card, Dibee Fleet Pay, hay thanh toán tại hệ thống Petrolimex với ví Momo... Dưới đây là những ghi nhận thực tế của phóng viên về những tiện ích từ dịch vụ Dibee Fleet Pay.

Giao dịch dễ dàng, nhanh chóng

Theo ghi nhận của phóng viên, khi sử dụng ứng dụng Dibee Fleet Pay, các giao dịch mua bán nhiên liệu được thực hiện đơn giản và nhanh chóng. Tài xế tới cây xăng và xuất trình thẻ thanh toán điện tử, nhân viên tại cây xăng kiểm tra thông tin của tài xế (biển số xe, loại nhiên liệu, định mức đổ,...) bằng máy POS, sau đó tài xế nhập mã PIN và tiếp nhận nhiên liệu, thông tin giao dịch tự động được đưa lên hệ thống, không cần phải in biên lai. Theo quan sát, mỗi giao dịch chỉ mất từ 1 đến 2 phút, không gây ra tình trạng ùn tắc giao dịch tại cây xăng.

Thẻ thanh toán xăng dầu điện tử (Dibee Fleet Pay) là sản phẩm giải pháp công nghệ được cung cấp bởi Công ty TNHH Connexion Việt Nam - Đơn vị trực thuộc tập đoàn của Pháp với hơn 50 năm kinh nghiệm đã phát triển và cung cấp các giải pháp thanh toán số cho các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam. Hiện nay, Dibee Fleet Pay được triển khai tại hệ thống với hơn 500 trạm xăng và các cây xăng nội bộ trên khắp cả nước như Tín Nghĩa, Công ty Cổ phần xăng dầu HFC, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn SFC,...

Cũng tại cây xăng, nếu như thanh toán bằng tiền mặt, tài xế của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải dừng xe, đi vào văn phòng giao dịch để làm biên lai, hóa đơn chứng nhận thanh toán, sau đó đem biên lai về nộp cho kế toán. Quy trình này làm mất nhiều thời gian của tài xế và nhân viên cây xăng, đồng thời cũng dễ dẫn đến các tiêu cực khác. Ông Khúc Văn Thịnh, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 6 - Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) chia sẻ: “Trong tháng 8 vừa qua, các giao dịch thanh toán không tiền mặt chiếm khoảng 25%, trong đó có doanh nghiệp sử dụng hình thức thẻ thanh toán xăng dầu điện tử đã giao dịch gần 70.000 lít xăng, dầu tại cửa hàng. Điều này cho thấy, tuy chưa thực sự phổ biến nhưng với những lợi ích mà Dibee Fleet Pay đem lại, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tin tưởng tìm đến và áp dụng vào hoạt động kinh doanh ngày một nhiều hơn qua các năm”.

Cũng theo ông Thịnh, giải pháp mà Dibee cung cấp giúp giảm bớt áp lực công việc về mặt lưu giữ hồ sơ chứng từ, giảm tối đa thời gian đối soát chứng từ, thống kê báo cáo. Toàn bộ giao dịch đều được tự động tổng hợp cập nhật trên hệ thống, dễ dàng theo dõi và truy xuất các báo cáo. Giao dịch mua bán tại cây xăng được rút ngắn, thanh toán điện tử thông qua hệ thống thẻ thông minh mà không phải sử dụng tiền mặt hoặc phiếu xăng để giao dịch, giúp cửa hàng có thể tiếp nhận thêm nhiều khách hàng mới.

Quản lý đội xe hiệu quả

Ông Bùi Hải Hoàng, Giám đốc bộ phận Vận chuyển - Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đất Mới (ALC) đánh giá cao hiệu quả mà các tính năng của Dibee Fleet Pay mang lại. Hiện tại ALC đang có hơn 70 xe đầu kéo và hơn 250 rơ-moóc nên việc sử dụng Dibee Fleet Pay để tối ưu hoạt động quản lý là cần thiết hơn bao giờ hết.

TIỆN ÍCH TỪ DIBEE FLEET PAY

• Tiết kiệm chi phí tiêu thụ nhiên liệu và nhân sự vận hành thông qua hệ thống báo cáo tự động

• Giảm tối đa các giao dịch bằng giấy tờ, đối soát chứng từ

• Tăng cường năng lực giám sát định mức nhiên liệu, phòng ngừa việc gian lận thông qua hệ thống giám sát cảnh báo các giao dịch bất thường

Nếu như trước đây, trong hoạt động kinh doanh vận tải, số lượng xe ngày một tăng lên thì cùng với đó số lượng nhân viên kế toán cũng nhiều thêm để kịp thời làm chứng từ, hóa đơn,... dẫn đến phát sinh chi phí và nguồn lực. Nhưng khi áp dụng các giải pháp công nghệ từ Dibee Fleet Pay thì dù có phát triển thêm bao nhiêu đầu xe, hoạt động quản lý, đối soát chứng từ, cập nhật hóa đơn,... vẫn đơn giản và dễ dàng kiểm soát. Trên thực tế, ALC đã tiết kiệm đến 25% chi phí quản lý so với phương thức truyền thống.

Bên cạnh đó, việc quản lý đội xe của ALC cũng trở nên dễ dàng. Với chức năng quản lý nhiên liệu đội xe thông qua các hệ thống báo cáo theo thời gian thực cho từng giao dịch, sau mỗi giao dịch, hệ thống sẽ tự động
phân tích các số liệu và cảnh báo nếu có các giao dịch bất thường, giúp ngăn ngừa gian lận một cách hiệu quả. Trên mỗi thẻ nhiên liệu Dibee đều in biển số xe phương tiện mà tài xế phụ trách và tài xế mỗi khi mua nhiên liệu đều cần xuất trình thẻ để xác minh thông tin. Nhờ đó, tài xế không thể đổ nhiên liệu cho xe cá nhân hoặc cho người khác mượn thẻ, doanh nghiệp tránh được hoàn toàn các giao dịch gây thất thoát chi phí. Cũng theo đó, thông qua hệ thống, ALC dễ dàng theo dõi, kiểm soát, so sánh chi tiết tiêu thụ nhiên liệu của từng xe sau mỗi giao dịch, qua đó có thể nắm bắt hiệu suất sử dụng nhiên liệu của đội xe.

Mặc dù Thẻ thanh toán xăng dầu điện tử mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên việc triển khai rộng rãi, mở rộng quy mô vẫn còn là một bài toán khó. Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với các giải pháp công nghệ hay các xu hướng công nghệ mới. Phần thì do tại thị trường Việt Nam, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng đầu xe không nhiều. Bên cạnh đó, còn do tâm lý ngại thay đổi, việc triển khai, thay đổi công nghệ trên toàn bộ hệ thống doanh nghiệp vẫn còn là một trở ngại.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tiện ích với thẻ thanh toán xăng dầu điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO