Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông

Quang Thành|28/12/2018 11:22

(VLR) Trong những năm qua, cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, một số công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện kết nối các vùng miền cả nước và giao thông quốc tế. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra và nhu cầu phát triển của nền kinh tế, những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, nhất là việc huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần phải tìm ra nguyên nhân và có các giải pháp xác thực, sáng tạo hơn, tháo gỡ các rào cản để đạt được các mục tiêu về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong bối cảnh mới.

Nhiều bất cập

“Hiện nay, ngoài các công trình của Tập đoàn Đèo Cả như: hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông... thì phần lớn các công trình giao thông lớn đều đội vốn lên 50%, 100%, 200%, 300%”, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nêu bất cập đầu tư trong một buổi tọa đàm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vừa qua tại Hà Nội.

GS.TSKH. Nguyễn Mại lấy ví dụ, dự án 12km đường sắt trên cao từ Hà Đông – trung tâm Hà Nội vốn vay từ Trung Quốc, đội vốn 3 lần. Các dự án giao thông, ngoài vấn đề đội vốn là tình trạng chậm tiến độ. Theo ông Mại, “Ít có con đường nào làm đúng tiến độ, ít nhất là chậm 1-2 năm, thậm chí còn nhiều hơn. Đơn cử việc chôn vốn vào Metro TP.HCM, chôn vốn vào Metro Nhổn”.

Bất cập lớn nhất theo GS.TSKH. Nguyễn Mại vẫn nằm ở tầm nhìn “Bất kỳ giải pháp nào của một quốc gia trước hết phải có tầm nhìn. Chúng ta thiếu tầm nhìn, mặc dù chúng ta đề ra tầm nhìn tới năm 2030. Khi đo lường ta rất phấn khởi vì so với ngày hôm qua thì khá hơn, nhưng so với nhu cầu thì quá chậm, so với những quốc gia xung quanh thì chúng ta còn thua rất nhiều”.

Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, ngân sách đầu tư hạ tầng, nhất là ngân sách lo việc bố trí, duy tu bảo dưỡng phải tăng gấp đôi để đảm bảo chất lượng, thậm chí 10 năm tới có thể tăng gấp 4 - 5 lần. Mức phí duy tu bảo dưỡng đến năm 2019 cần đảm bảo hơn 12.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ đáp ứng được 40%.

“Kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn và không như 10 năm vừa qua để chúng ta có môi trường, thể chế áp dụng cho đầu tư PPP, BOT kết cấu hạ tầng trong tương lai, tránh tình trạng như “các con thiêu thân” trong 10 – 20 năm vừa qua, đầu tư bất chấp mọi rủi ro”, ông Đinh Văn Nhã cho biết.

Những rủi ro mà ông Đinh Văn Nhã đề cập, trước hết về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, sau đó là về giá cung cấp dịch vụ hạ tầng. “Xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi giá đường bộ tốt hơn. Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội. Đầu tư quan trọng giá hoàn vốn, nhân dân không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn. Ai sẽ dám đầu tư? Trong khi lãi vay trả thôi đã khó rồi”, ông Nhã bày tỏ quan điểm.

Nhiều giải pháp được đề xuất

ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Từ góc nhìn nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này. Để tháo gỡ vướng mắc từ các cơ quan Nhà nước, ông cho rằng các bên phải bám chặt vào hợp đồng đã ký. Các điều khoản chuyển tiếp gây bất lợi cho doanh nghiệp, nếu quá khó khăn thì cần thống nhất với các thành phần liên quan gồm ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư cùng đồng lòng kiến nghị với Thủ tướng, Quốc hội từng bước tháo gỡ.

Đối với một bộ phận người dân sử dụng dịch vụ BOT, thiếu hợp tác với nhà đầu tư, các cấp chính quyền phải tuyên truyền để người dân hiểu được việc đầu tư theo hình thức này trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Từ đó, họ có cái nhìn khách quan đối với các dự án BOT và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai cao tốc Bắc - Nam 55.000 tỷ đồng, huy động vốn 51.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư và ngân hàng. 3 dự án đầu tư bằng ngân sách, 8 dự án là BOT (Nhà nước cổ phần và doanh nghiệp góp cổ phần). Nhà nước hỗ trợ 38% - 40% gồm giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư họ cảm thấy bớt rủi ro"
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Về lĩnh vực hợp tác với ngân hàng tài trợ vốn, ông Thế cho rằng, các bên cần đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT để cùng nhau xác định trách nhiệm, chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư, với cơ quan công quyền nhằm tháo gỡ các cơ chế bất cập hiện nay.

Ông Thế đề xuất song song với việc nêu ra các mặt chưa tích cực tại các dự án để điều chỉnh cho phù hợp, truyền thông cũng nên phản ánh những dự án BOT đã đóng góp tích cực và cống hiến phát triển địa phương và đất nước. Bên cạnh đó Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đẩy mạnh vai trò kiểm tra hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, hiện nay, môi trường đầu tư PPP rất rủi ro, đây là một trong những yếu tố bản thân ông thấy rất quan ngại đối với nhà đầu tư. Ông cho rằng, cần cấp thiết ưu tiên ban hành Luật PPP và nghiên cứu những mô hình mới làm PPP như mô hình BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ) và Nhà nước cần cơ chế chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO