Tóm tắt sự việc
Một doanh nghiệp dịch vụ logistics (Doanh nghiệp logistics) làm dịch vụ giao nhận, vận chuyển một lô hàng nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam theo điều FOB Chalotte, NC, USA Incoterms 2010, chuyển tải (tranship) tại Shekou, Trung Quốc. Khi hàng đến cảng Shekou trên đường về Việt Nam thì hãng tàu vận chuyển lô hàng (bằng đường biển) thông báo cho Doanh nghiệp logistics rằng theo quy định mới của Việt Nam, không được phép nhập khẩu bao tải cẩu (jumbo bag) đã qua sử dụng và để được chuyển tiếp về Việt Nam thì Doanh nghiệp logisstics phải đặt cọc (deposit) một khoản tiền cho hãng tàu để đề phòng rủi ro pháp lý liên quan đến họ. Doanh nghiệp logistics đã cập nhật đầy đủ tình hình vận chuyển của lô hàng và nhiều lần liên hệ với khách hàng (người giao hàng, người nhận hàng) để yêu cầu đặt cọc nhưng khách hàng không trả lời. Đến cuối tháng 6/2019 hãng tàu cho biết đã tiêu hủy lô hàng ở Hồng Kông với chi phí phát sinh hơn 21.000 USD.
Doanh nghiệp logistics căn cứ vào quy định trên vận đơn thứ cấp (House B/L) đòi người giao hàng/ người nhận hàng trả toàn bộ chi phí phát sinh do lô hàng bị tiêu hủy và từ chối yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo vận đơn chủ (Master B/L) của hãng tàu nhưng không đạt kết quả. Người giao hàng/người nhận hàng có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại này không? Hãng tàu có quyền yêu cầu Doanh nghiệp logistics thanh toán chi phí phát sinh do lô hàng bị tiêu hủy không?
Vụ việc trên cũng tương tự về mặt trách nhiệm bồi thường như vụ tranh chấp đã được giải quyết tại một trung tâm trọng tài: Công ty Hàn Quốc (Nguyên đơn) ký với Công ty Việt Nam (Bị đơn) một hợp đồng thi công xây dựng. Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ trả khoản thanh toán tạm lần thứ nhất và đơn phương quyết định tạm dừng thi công dự án một năm để điều chỉnh dự án dẫn đến việc Công ty Hàn Quốc kiện Công ty Việt Nam yêu cầu trung tâm trọng tài buộc Bị đơn bồi thường thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
Bài học kinh nghiệm
Quyết định của cơ quan có thẩm quyền như công văn số 7454/TCHQ - GSQL, ngày 26/12/2018 về điều kiện nhập khẩu bao tải cẩu đã qua sử dụng của Tổng cục Hải quan đối với vụ việc lô hàng bị tiêu huỷ tại Hồng Kông làm phát sinh chi phí đối với hãng tàu và Doanh nghiệp logistics; thiệt hại về hàng hóa đối với người giao hàng, người nhận hàng vì Doanh nghiệp logistics có quan hệ hợp đồng với tư cách là người nhận hàng theo vận đơn chủ và là người vận chuyển/thay mặt người vận chuyển theo vận đơn thứ cấp.
Đối với vụ việc hợp đồng thi công xây dựng bị vi phạm do có quyết định của Chính phủ Việt Nam, Nguyên đơn bị tổn thất lợi nhuận liên quan đến việc thực hiện những công việc của hợp đồng trong thời gian dự án bị buộc phải dừng thực hiện. Hội đồng trọng tài xác định những vi phạm của Bị đơn là những điều kiện đã được thỏa thuận cho phép Nguyên đơn có quyền thông báo chấm dứt hợp đồng. Văn bản số 6881 đã thông báo ý kiến về việc dừng thực hiện dự án theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ Việt Nam) và giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn Bị đơn thực hiện việc dừng dự án.
Các bên trong cả hai vụ việc nêu trên không được tiếp tục thực hiện hợp đồng, ngay cả khi một bên không chấm dứt hợp đồng thì bên kia cũng buộc phải chấm dứt hợp đồng để thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, có việc vi phạm hợp đồng của Doanh nghiệp logistics, người giao hàng, người nhận hàng trong vụ nhập bao tải cẩu; của Bị đơn trong vụ hợp đồng thi công xây dựng với yêu cầu chịu trách nhiệm, đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tuy vậy, không bên nào phải chịu trách nhiệm bồi thường vì việc không thực hiện đúng hợp đồng là do quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà khi ký kết hợp đồng các bên không thể biết theo quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 như sau: “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: ... đ) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
Cần lưu ý là để được hưởng miễn trách nhiệm, bên vi phạm có nghĩa vụ thông báo kịp thời và chứng minh miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 295 Luật Thương mại năm 2005: “1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. 2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. 3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình”.
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm, bên kia (bên không vi phạm) cũng không có lỗi nhưng phải chịu thiệt hại, chi phí phát sinh từ một quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Có thể coi đây là rủi ro đối với các bên có liên quan xuất phát từ quyết định của cơ quan công quyền.
Không ai có lỗi mà một bên chịu toàn bộ thiệt hại thì cũng không công bằng xét trên quan điểm thiện chí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cách giải quyết “có lý, có tình” là các bên cùng nhau chia sẻ tổn thất trên tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cùng chịu rủi ro. Đây cũng là hướng mà nhiều cơ quan Trọng tài, Tòa án thường khuyên các bên thương lượng, hòa giải trước khi xét xử.
(*) Trọng tài viên VIAC