Vận tải đường bộ xuyên biên giới trước lộ trình AEC

01/01/1970 08:00

(VLR) Năm 2015, 10 nước ASEAN bao gồm VN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trước sự thống nhất tự do thị trường, quá trình logistics, vận tải của các nước ASEAN sẽ được kết nối hiệu quả. Trong tương lai, AEC chọn vận tải đường bộ là mục tiêu hướng tới. Do vậy, cần thiết phải có một chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ qua biên giới.

Năm 2015, 10 nước ASEAN bao gồm VN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trước sự thống nhất tự do thị trường, quá trình logistics, vận tải của các nước ASEAN sẽ được kết nối hiệu quả. Trong tương lai, AEC chọn vận tải đường bộ là mục tiêu hướng tới. Do vậy, cần thiết phải có một chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ qua biên giới.

CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Vận tải đường bộ xuyên biên giới có thể giúp các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn đường biển, và tiết kiệm chi phí hơn so với đường hàng không. Tuy nhiên, nếu so sánh về chi phí thì đường bộ vẫn cao gấp 3 lần so với đường biển.

Vận tải bằng đường bộ từ Trung Quốc sang VN hay ngược lại chỉ trong vòng 1 ngày, trong khi vận tải đường biển mất 4 ngày. Mặc khác, theo thống kê, chi phí cho vận tải đường bộ chỉ bằng 75% so với đường hàng không thuần túy, nhưng lại gấp 3 lần đường biển. Đơn cử tuyến đường biển Thượng Hải - Hải Phòng – TP.HCM (và ngược lại) mất khoảng 2.000 USD, nhưng nếu vận tải bằng đường bộ sẽ mất 6.000 USD.
Đơn cử thêm tuyến vận tải đường bộ từ TP.HCM – Mộc Bài - Phnôm Pênh, chi phí hải quan cho 1 container 20 feet mất khoảng 900 USD, container 40 feet mất 1.100 USD, trong khi chi phí đường biển cho container 40 feet chỉ khoảng 330 USD.

Bên cạnh vấn đề chi phí, cơ sở hạ tầng đường bộ của VN cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp vận tải của Lào hiện đang phân vân giữa hai tuyến Lào - Laem Chabang (Thái Lan) hay Lào – Đà Nẵng (VN). Xét về khoảng cách, từ cửa khẩu của Lào đến cảng Đà Nẵng gần hơn đến cảng Laem Chabang, chỉ hơn 200km. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Lào vẫn ưu ái con đường qua cảng Laem Chabang, do hạ tầng đường bộ từ cửa khẩu Lào đến Laem Chabang được Chính phủ Thái Lan đầu tư rất tốt từ khá lâu so với tuyến đường sang Đà Nẵng vừa mới được quan tâm đầu tư trong thời gian vừa qua.

CẦN MỘT CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO
Không chỉ riêng doanh nghiệp, vấn đề vận tải xuyên biên giới hiện đang được Chính phủ VN rất quan tâm. Mặc dù còn ít nhiều nhiêu khê, nhưng thủ tục hải quan tại các cửa khẩu trong thời gian gần đây đã khá thông thoáng. Lúc trước vận tải đường bộ qua biên giới tài xế hai nước phải dỡ hàng, đổi xe với nhau. Thời gian gần đây các doanh nghiệp vận tải không cần phải đổi xe mà chỉ chuyển đổi container (container swapt). Bên cạnh đó, thủ tục thông quan, chuyển đổi container tại cửa khẩu chỉ mất tối đa 2 tiếng.

Ngoài vấn đề về hải quan, Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) cũng được Chính phủ VN đẩy mạnh đầu tư trong thời gian vừa qua. Trước những động thái từ Chính phủ, các doanh nghiệp VN cũng cần thiết phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng tính hiệu quả, cần thiết phải có một chương trình nâng cao, đưa ra những tiêu chuẩn để các nhà vận tải tuân theo. Các tiêu chuẩn đó phải dựa trên yêu cầu về kỹ năng quản lý đội xe, kỹ năng và ý thức của tài xế, vấn đề bảo hiểm trách nhiệm, các giải pháp, công cụ quản lý an ninh hàng hóa để đảm bảo hàng hóa không bị mất trộm trong quá trình vận chuyển…

Theo ông Nguyễn Đôn Lễ - Trợ lý Giám đốc Công ty KART VN một doanh nghiệp vận tải phát triển khá mạnh ở thị trường Trung Quốc và Hồng Kông cho biết, công ty hiện có một số khách hàng khá lớn đi tuyến Bankok - Thượng Hải, chủ yếu là hàng công nghệ cao nên rất cần bảo hiểm trách nhiệm (liability insurance). Tuy Cục đường bộ VN có đề cập đến mảng bảo hiểm này nhưng thực tế không thấy triển khai ở VN.

Ông Nguyễn Duy Minh - Uỷ viên kiêm Trưởng ban Tài chính - Phát triển hội viên VIFFAS cho biết, hiện nay có rất nhiều tổ chức như GMS hay các hiệp hội giao nhận quốc tế ở các nước đang khuyến khích vận tải đường bộ xuyên biên giới. Đây là vấn đề quan trọng trong việc kết nối AEC. Vận tải đường bộ trong khối ASEAN, đặc biệt trong GMS trong tương lai sẽ thay thế dần cho các phương thức khác. Đối với VN, vận tải đường bộ xuyên biên giới ở các doanh nghiệp phía nam hiện nay đang thực hiện nhiều ở tuyến sang Campuchia (Phnôm Pênh). Thái Lan kết nối với VN thường qua tuyến miền trung, miền bắc hoặc mượn tuyến miền trung để đi lên Trung Quốc.

Ngày 13-14.12.2012 sắp tới, Cục Vận tải Mặt đất Thái Lan (APICS) phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT VN sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề vận tải xuyên biên giới, đặc biệt qua VN-Lào-Campuchia-Thái Lan. Hội thảo tập trung vào những khó khăn, những vướng mắc trong quá trình vận tải đường bộ qua biên giới trong quá trình vận tải hàng hóa.
Để chuẩn bị cho cộng đồng kinh tế các nước ASEAN sẽ được thiết lập vào năm 2015, APICS có nguồn vốn để triển khai chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ qua biên giới trong vòng 5 năm. Hiện tại năm đầu tiên sẽ triển khai ở VN và Thái Lan, sang năm 2013 triển khai ở Lào, sau đó tiếp tục triển khai ở Campuchia, Myanmar…
Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp VN tham gia, năng cao năng lực cạnh tranh của mình để chuẩn bị cho thị trường chung nhất cho các nước ASEAN vào năm 2015.



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận tải đường bộ xuyên biên giới trước lộ trình AEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO