Xuất khẩu cá tra – còn đó nỗi lo!

14/05/2018 08:21

(VLR) 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra đạt 430 triệu USD, dù xuất hiện nhiều rào cản từ phía Mỹ, trong đó có việc tăng thuế chống bán phá giá. Điều này đã tạo “cú hích” cho ngành XK cá tra Việt Nam (VN). Theo đó, người nuôi cá tra liên tục “lùng” mua giống nhiều đến nỗi người dân phải phá nhiều hécta lúa để đào ao thả giống cung cấp cho thị trường. Điều này đang tiềm ẩn rủi ro cho đầu ra con giống và việc XK thời gian tới.

Thị trường cá tra đang tốt

Năm 2017, XK cá tra dù gặp nhiều khó khăn do Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao và chương trình giám sát cá da trơn sớm hơn quy định 1 tháng, theo đó, cá tra bị truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường EU, đã làm cho thị trường này giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc (TQ) bất ngờ là chỗ dựa cho đầu ra cá tra VN, giúp kim ngạch XK cá tra năm 2017 đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016. Kế hoạch đề ra năm 2018 này, XK cá tra sẽ đạt 2 - 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường TQ luôn “nóng - lạnh” bất thường, khó mang tính bền vững cho đầu ra cá tra VN.

Giá cá tra đạt 30-31 ngàn/kg vào tháng 4.2017 khi các doanh nghiệp (DN) chế biến tiếp tục đẩy mạnh thu mua cá nguyên liệu để phục vụ thị trường XK, nhất là XK sang thị trường TQ. Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, vào thời gian thu hoạch rộ nên giá cá tra đã giảm nhiều, nhưng vẫn duy trì ở mức cao từ 24.000 – 26.000 đồng/kg cho đến hết năm. Những tháng đầu năm 2018, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL “lên cơn sốt”, hiện dao động từ 29.000 - 31.000 đồng/kg, có nơi lên tới 32.000 đồng/kg… để chế biến XK. Với giá này, người nuôi cá có lãi cao, nên vào vụ năm nay, bà con đã đẩy mạnh nuôi cá tra, đẩy giá cá tra giống lên rất cao.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn cá tra giống đang hiếm hàng. Bởi, thời gian qua, do thị trường XK bấp bênh, nên nhiều cơ sở sản xuất con giống đã bỏ nghề, hoặc không còn mặn mòi nghiên cứu như thời hoàng kim (2005 - 2008). Hiện cá tra giống đã tăng vọt lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg (cỡ 30 con/kg) nhưng người nuôi khó tìm được con giống chất lượng.

Hàng trăm hecta đất trồng lúa đã bị người dân đào ao nuôi cá tra. Người dân đang rất lo ngại nước thải trong quá trình nuôi cá sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những ruộng lúa bên cạnh. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất nước. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn 60ha đất lúa bị chuyển sang nuôi cá tra và con số đang tăng tại tỉnh này và An Giang.

Để ngăn chặn tình trạng người dân đào ao trên đất lúa để nuôi cá tra tràn lan, ngày 16.4, UBND tỉnh Long An có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa tại các huyện Đồng Tháp Mười. Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Long An cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017 tại 3 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh có gần 800ha ao nuôi tự phát. Điều đáng ngại là người nuôi chưa nắm các biện pháp kỹ thuật, nên ao nuôi xuất hiện nhiều mầm bệnh, chất thải xả ra kênh rạch ảnh hưởng đến môi trường. Diện tích nuôi tăng sẽ dẫn đến đầu ra của cá tra giống cũng không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ.

Ngoài ra, nghề làm cá giống cũng lắm rủi ro. Bởi, giá cả lên xuống thất thường không ổn định. Khi cá tra nguyên liệu giảm thì ít người nuôi, cá giống giảm theo và ngược lại… Bên cạnh đó, gần đây, chất lượng cá giống bị sụt giảm do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến tỷ lệ hao hụt của việc nuôi cá tra thương phẩm tăng cao hơn 30%... Tỉnh An Giang và Đồng Tháp, 2 địa phương có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất nước, nhiều hộ nuôi than rằng, tỷ lệ ương giống thấp, tỷ lệ hao hụt nhiều. Vì vậy, vấn đề các cơ quan khoa học cần nghiên cứu tìm ra mô hình ương giống đạt tỷ lệ chấp nhận được để triển khai, là việc người nuôi cá mong chờ nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể là Đồng Tháp có 68 cơ sở sản xuất cá tra giống, năm 2017 nuôi ương không dưới 50 tỷ con cá bột nhưng năm nay vẫn thiếu giống do tỷ lệ sống thấp. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Thông tin từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, hiện có 101.000 cá tra bố mẹ, cá tra hậu bị đã được phát tán đàn cho các trại giống ở khu vực ĐBSCL. Năm 2017, phát tán 15.000 con và sẽ sinh sản vào năm 2019. Tuy nhiên, nguồn giống phục vụ cho vụ sản xuất năm nay chỉ còn 60.000 cá tra bố mẹ.

Giải pháp căn cơ cho đầu ra

Nước ta có khoảng 200 DN XK cá tra. Hiện Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu thị trường nhập khẩu cá tra của VN, tiếp theo là Mỹ, ASEAN và EU. Trước những thử thách về biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu, ngành cá tra VN vẫn đạt mục tiêu sản lượng trên 1,3 triệu tấn. Trong khi các DN VN XK cá tra sang EU giảm mạnh, rồi XK sang Mỹ gặp khó vì chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá cao thì XK sang TQ tăng 42%. Điều này trước mắt, rất thuận lợi cho đầu ra cá tra VN. Tuy nhiên, XK cá tra sang TQ đang tiềm ẩn một số vấn đề khi các DN XK qua cả đường biển và đường bộ, việc kiểm soát chất lượng không đồng bộ, giá xuất qua hai phương thức này chênh lệch nhau, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và gây bất ổn về nguồn nguyên liệu XK.

Tại Hội chợ Thủy sản Boston vào trung tuần tháng 3.2018 vừa qua, các DN XK cá tra VN đã nhanh chóng tìm kiếm thêm các đối tác tại các thị trường khác ngoài Mỹ, thuyết phục họ đồng ý nhập khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng như dầu cá, thực phẩm chế biến sẵn từ cá tra. Rõ ràng, trong nền kinh tế hiện nay, buộc các DN XK thủy sản phải luôn có “kịch bản” ứng phó và tâm thế lúc nào cũng sẵn sàng cho cuộc chuyển mình đầy ngoạn mục của sân chơi toàn cầu. Thị trường Mỹ không phải bây giờ mới gây khó mà nhiều năm trước Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã có những phán quyết rất không công bằng, thiên về bảo hộ trong nước. Thế nhưng, điều đó vẫn không khiến cho các DN XK thủy sản nản chí, trái lại còn mang đến cho họ những cơ hội mới.

Cuối tháng 3.2018, DOC đã ra quyết định cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ VN với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Với mức thuế này cá tra VN rất khó để XK sang Mỹ. Bởi, mức thuế thấp nhất 3,74 USD/kg là gần bằng với giá bán cá tra sang Mỹ. Hiện nay, nhiều DN đã chuyển hướng sang khai thác các thị trường khác như châu Âu, TQ…, trong thời gian chờ đợi có những chính sách mới.

Lâu nay, diễn biến XK tại các thị trường tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước. Thị trường XK cá tra của VN đã đến được 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năng suất cá tra có thể đạt tới 300 - 400 tấn/ ha chỉ trong 7 - 8 tháng nuôi với các loại thức ăn có nguồn gốc chủ yếu từ thực vật nên giá thành sản xuất rất rẻ. Chính vì vậy, vào thời điểm “hoàng kim” của ngành cá tra, nông dân nuôi cá lãi hàng tỷ đồng chỉ với mỗi hecta ao nuôi, vì giá XK cá tra phi lê khi đó cũng lên đến 3,2USD/kg, thậm chí 4USD/kg.

Hiện nay, vấn đề bền vững cho đầu ra cá tra VN là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có thể được xem là một đề án tốt cho giải pháp căn cơ, dài lâu. Mục tiêu của đề án nhằm góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp sẽ đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL và đến năm 2050 là 100%. Theo đó, đề án sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số địa phương khác thuộc vùng ĐBSCL đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Vùng sản xuất giống cá tra tập trung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, có diện tích từ 50 ha trở lên, thuận tiện về nguồn nước và đảm bảo về môi trường theo quy định. Tổng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án là gần 600 tỷ đồng.

Đây được xem là giải pháp căn cơ cho đầu ra, nhằm tránh hiện tượng cung nhiều thì bị dội hàng và ngược lại, đẩy nghề nuôi, chế biến cá tra XK vào chỗ khó khăn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu cá tra – còn đó nỗi lo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO