Dây chuyền xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản được cải tiến, giúp vải Bắc Giang đảm bảo sự tươi ngon khi sang Nhật Bản
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, vải sớm Tân Yên xuất khẩu đi nhật đều được xử lý bằng Methyl Bromide tại cơ sở xử lý của Công ty Toàn Cầu. Cơ sở xử lý này đã được phía Nhật Bản công nhận từ năm ngoái và năm nay tiếp tục được công nhận.
Điểm mới trong xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản năm 2021 là do điều kiện dịch Covid-19 nên phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời mà hai bên đã thống nhất.
“Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận ngay tại cơ sở của Công ty Toàn Cầu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải thiều của doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng vải thiều sau khi xử lý để xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cải tiến quy trình, cơ chế sau xử lý để khắc phục khuyết điểm của xử lý Methyl Bromide là phá hủy mạnh màng tế bào.
Cũng theo ông Hiếu, từ khi chưa kết thúc vụ vải năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã bắt tay vào việc cải tiến quy trình xử lý khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản cho vụ thu hoạch 2021. Theo đó, phía Cục Bảo vệ thực vật đã đàm phán với đối tác Nhật Bản thay đổi phương án xử lý thùng carton sang rổ nhựa.
"Chỉ một thay đổi nhỏ như thế nhưng cũng mang lại tác dụng rất lớn, giúp giảm bớt thời gian sơ chế sau xử lý do có thể nhúng luôn rổ vào nước rửa; giảm bớt chi phí đồng thời giúp phân bố thuốc đều hơn khi xử lý và thông thoáng hơn sau xử lý, giúp giảm thời gian chờ đợi", ông Hiếu thông tin thêm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc xuất khẩu vải sớm Tân Yên sang Nhật Bản đã góp phần giúp thị trường tiêu thụ vải sôi động hơn.
Về mặt giá cả, qua khảo sát cho thấy, giá thu mua vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại vườn nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg, tương đương năm ngoái, cao hơn giá thu mua ngoài chợ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Việc xuất khẩu vải sớm Tân Yên sang Nhật Bản đã góp phần giúp thị trường tiêu thụ vải sôi động hơn
Đáng chú ý, nhờ thông tin vải sớm Tân Yên xuất khẩu sang Nhật Bản mà giá vải cân ngoài chợ đã tăng từ 15.000 - 18.000 đồng/kg lên 17.000 - 20.000 đồng/kg.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong khâu xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo 5K, phối hợp với địa phương từ sớm để tạo điều kiện cho các đơn vị vừa chống dịch vừa sản xuất, cán bộ yên tâm vào vùng dịch làm việc.
Liên quan tới tiêu thụ nông sản Bắc Giang, trong đó có vải thiều, tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ngày 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...
Về tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…