"Quả ngọt" từ chuỗi liên kết
Trong những năm qua, TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và của cả nước. Thông qua chương trình liên kết hợp tác, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 127 dự án của các doanh nghiệp TP.HCM đến đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 7.422 tỷ đồng. Còn trong giai đoạn từ 2014-2020, các doanh nghiệp TP.HCM đến Tây Ninh đầu tư 42 dự án với hơn 7.100 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đầu tư, TP.HCM còn là thị trường tiêu thụ các sản phẩm hạt điều, trái cây của tỉnh Bình Phước, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân Tây Ninh. Các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng tổ chức các hội nghị liên kết phát triển du lịch, mở các tour, tuyến đưa du khách đến với Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, qua chương trình hợp tác TP.HCM đã thể hiện vai trò “người anh cả” hỗ trợ cho các tỉnh cùng phát triển: “Sự hỗ trợ của TP góp phần rất lớn trong việc tạo cho các tỉnh vượt qua những khó khăn, ngày càng đưa sự phối hợp liên kết vùng đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả toàn diện, vững chắc. Hy vọng sau hội nghị tổng kết cũng nhận diện ra những vấn đề còn bất cập để chúng ta có được tư duy mới, nhất là đổi mới nội dung và phương thức, cách thức trong chương trình hợp tác làm sao đem lại hiệu quả cao nhất”.
Với tỉnh Đồng Nai, TP.HCM đã ký kết hợp tác được 12 năm và thu được nhiều kết quả khả quan về thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
Để chương trình hợp tác hiệu quả hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất: "TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có điểm chung là người lao động nhập cư lớn, do đó đòi hỏi về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội rất nhiều. Thế nhưng, nguồn lực từ ngân sách đầu tư để đầu tư cho việc này trong thời gian qua chưa đến tới 20%. Do đó, chúng tôi đề xuất có quỹ để phát triển hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ phát triển kinh tế xã hội của cả vùng”.
Cần có sự phối hợp tác chặt chẽ hơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế như: Chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả Vùng. Hội đồng Vùng chưa thể hiện hiệu quả được vai trò trong điều phối các hoạt động; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết...
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mối liên kết, hợp tác, phát triển Vùng sẽ tạo điều kiện chia sẻ cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương. Về lâu dài các địa phương trong Vùng sẽ đều được hưởng lợi từ những thành quả phát triển chung. Tuy nhiên, hiện nay trong hợp tác còn khó khăn cần tháo gỡ: "Quy hoạch vùng mà trước đây chúng ta đã có nhưng còn lạc hậu và đang chờ quy hoạch vùng mới. Sự kỳ vọng để ra đời một quy hoạch vùng đáp ứng nhu cầu của cả vùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước là rất quan trọng. Nguồn lực đầu tư hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn nên tiến độ đầu tư các công trình trọng bị chậm. Do đó, mong rằng có sự hỗ trợ của trung ương, hay có thể chế để huy động nguồn lực thực hiện các công trình này".
Thực hiện Nghị quyết 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM tiếp tục ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Nội dung ký kết xoay quanh vấn đề về quy hoạch vùng; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, chuyển đổi số...
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2030-2045 mà Bộ Chính trị giao cho vùng Đông Nam bộ rất cao, chẳng hạn như GRDP từ 8-8,5%, thu nhập bình quân đầu người 14.500 USD, đây là thử thách cho Vùng. Do đó, từng tỉnh cần phải tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. TP.HCM cùng Bộ Kế hoạch- Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện những cơ chế vượt trội không chỉ với TP. mà cả Vùng Đông Nam bộ để trình Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, chúng ta cần một tinh thần trách nhiệm, cơ chế, nhưng quan trọng hơn là cần ý thức, trách nhiệm với nhau trong công việc, trong các mối quan hệ không câu nệ thời gian, không có giới hạn không gian mà khi nói liên kết vùng là nói đến trách nhiệm chung vì lợi ích, vì sự phát triển của vùng thì chúng ta hành động. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, UBND các tỉnh chuẩn bị hoàn thiện quy chế hoạt động, tăng cường kết nối dữ liệu số để giải quyết vướng mắc, khó khăn, đừng hội họp nhiều.
Nhân dịp này, 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025./.
* Hội nghị diễn ra ngày 18/3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Phước. Tham dự hội nghị có các ông, bà: Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Nguồn: Báo Bình Phước, Cổng TTĐT Bình Phước