Ai có trách nhiệm tháo nút thắt ở trạm Ninh Lộc?

04/05/2018 17:12

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Sau khi phải liên tục xả trạm trong nhiều ngày, Chủ đầu tư trạm BOT Ninh Lộc đã phải gửi công văn khẩn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(Vietnam Logistics Review) Sau khi phải liên tục xả trạm trong nhiều ngày, Chủ đầu tư trạm BOT Ninh Lộc đã phải gửi công văn khẩn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc đối thoại thành công, nhưng lời hứa không được thực hiện

Ngày 1.5, những người quá khích đã leo thang nghiêm trọng: đập phá ca-bin thu phí, hành hung nhân viên trạm; cướp giật quyển vé đang bán, sau khi đã cho 10-20 xe thường xuyên dừng đỗ trước trạm không chịu mua vé qua trạm Ninh Lộc - Khánh Hòa, cố tình cản trở ách tắc giao thông trên QL1, bất chấp biển báo cấm đỗ xe, cấm dừng xe quá 5 phút.

Những người coi thường pháp luật này chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 82 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí.

Công điện yêu cầu rất cụ thể “xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác...), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.

Thế nhưng, bên cạnh việc xử lý những phần tử quá khích, thì câu hỏi đặt ra: Có cách nào tháo ngòi nổ một cách hợp tình hợp lý?

Trạm thu phí Ninh Lộc buộc phải xả trạm nhiều lần trước sức ép của các tài xế

Hãy cùng lần ngược nút thắt để có câu trả lời

Đầu tháng 1.2018, bằng cách dùng tiền mệnh giá nhỏ, dừng xe trước cửa trạm Ninh Lộc, các tài xế đã làm ách tắc giao thông nghiêm trọng và buộc nhà đầu tư phải xả trạm rất nhiều lần.

Sau đó nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cùng Chi cục quản lý đường bộ và chính quyền địa phương, đã tổ chức một cuộc đối thoại được coi là rất thành công ở thời điểm đó, là kinh nghiệm để nhiều trạm BOT khác học hỏi.

Cuộc đối thoại, với sự lắng nghe, cầu thị của nhà đầu tư đã làm dịu đi những cái đầu rất nóng của tài xế.

Giải pháp đưa ra, được đánh giá là hợp tình hợp lý: Trước mắt, nhà đầu tư thực hiện ngay việc mở rộng vùng miễn giảm giá vé các xe loại 1 cho 17 xã, phường lân cận thuộc thị xã Ninh Hòa (trong phạm vi khoảng 10km tính từ trạm), mức miễn giảm: 100% giá vé cho xe loại 1.

Cuộc làm việc thống nhất đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án miễn giảm bổ sung này.

Tuy nhiên sau đó, Bộ GTVT đã không thống nhất phương án miễn giảm phí đã thảo luận cùng các tài xế của Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa và nhà đầu tư.

Bộ chỉ cho phép miễn giảm phí cho xe thuộc 8 xã (thay vì 17 xã như đề nghị), mức giảm 100% cũng chỉ được áp dụng cho xe buýt nội tỉnh. Các loại xe khác chỉ được giảm 40% - 50%.

Theo yêu cầu này, 00 giờ, ngày 01.5.2018 trạm Ninh Lộc bắt đầu điều chỉnh mức phí. Ngay sau thời điểm điều chỉnh, một số lái xe không chấp hành quy định về mua vé theo mức giá được miễn, giảm, dừng xe gây ùn tắc giao thông kéo dài dẫn đến việc phải xả trạm nhiều lần, thậm chí một số lái xe không chịu rời xe ngay cả khi trạm đã thông báo xả.

Các lái xe yêu cầu được mở rộng vùng miễn giảm trong phạm vi bán kính 10km, giảm 100% phí, như nội dung đã thống nhất trong buổi đối thoại trước đây.

“Các ông ấy nói không giữ lời, chúng tôi chỉ đòi công bằng cho mình mà thôi”, các tài xế cho biết.

Một tài xế quá khích đuổi đánh nhân viên trạm thu phí Ninh Lộc

Quốc lộ ách tắc, quan lộ không thể hanh thông

Ông Vũ Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, cho biết, dù nhà đầu tư rất muốn thực hiện cam kết từ cuộc đối thoại trước với người dân, nhưng họ không có quyền tự quyết mà phải tuân thủ quyết định miễn giảm của Tổng cục đường bộ.

Như vậy có thể đặt câu hỏi: Tại sao Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT lại không cho thực hiện cam kết mà cả nhà đầu tư, sở GTVT Khánh Hòa và đơn vị quản lý đường bộ (đại diện của Tổng cục ở địa phương) đồng thuận?

Khi ùn tắc huyết mạch giao thông xảy ra, không chỉ có nhà đầu tư thiệt hại, địa phương thiệt hại mà người dân và doanh nghiệp thiệt hại. Một phương án hợp lý sẽ hài hòa được lợi ích của tất cả các bên.

Tiếp nối tinh thần coi trọng đối thoại hơn đối đầu, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã cấp tốc kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục xem xét lại để chấp thuận phương án đã có sự đồng thuận và cam kết 3 bên (người dân, chính quyền, nhà đầu tư) trong cuộc đối thoại trước. Nếu được chấp thuận, Ninh Lộc sẽ áp dụng điều chỉnh ngay từ 5.5.2018. Mọi sự chậm trễ đều có thể đẩy tình hình leo thang lên những mức nguy hiểm, gây thiệt hại không nhỏ.

Nhà đầu tư cũng đưa ra một kiến nghị hết sức quyết liệt nhưng sòng phẳng: “Nếu Bộ GTVT không chấp nhận phương án này, đề nghị xem xét phương án dừng thu phí tại Ninh Lộc. Tất nhiên, kèm theo đó Bộ phải xem xét lại phương án tài chính theo hướng bố trí nguồn vốn nhà nước hoàn vốn cho nhà đầu tư hoặc đề nghị Bộ GTVT tổ chức thu”.

Khi chấp thuận dự án BOT, Bộ GTVT cùng địa phương phải đảm bảo điều kiện để nhà đầu tư và nhân dân không bị tổn thất thời gian, cơ hội, tiền bạc chính đáng. Sự quyết đoán, thái độ lắng nghe, dám nhận trách nhiệm của các cơ quan này, sẽ là chìa khóa để tháo nút thắt Ninh Lộc. Người dân đòi thực hiện đúng cam kết, thì nhà đầu tư cũng có quyền đòi Bộ và địa phương thực hiện đúng cam kết. Tiền trong túi dân và tiền trong túi doanh nghiệp làm ăn chân chính đều đẫm mồ hôi như nhau.

Đã hết rồi cái thời mà quốc lộ thì luôn ách tắc mà quan lộ ai đó vẫn hanh thông.

Khi ách tắc, các trạm BOT phải được xả. Những người có trách nhiệm không giải quyết được ách tắc, cũng cần phải bị “xả ghế”. “Không làm được thì dẹp sang một bên cho người khác làm” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã khẳng định rõ ràng như vậy.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ai có trách nhiệm tháo nút thắt ở trạm Ninh Lộc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO