14h ngày 22/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm. Tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130 km về phía Đông. Sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8).
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 23/11, tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 340 km về phía Đông. Đến 13h ngày 24/11, tâm bão trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh tối đa 100 km/h (cấp 10).
Dự báp hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường nhận định bão số 9 được dự báo rất nguy hiểm. Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên phải tập trung toàn lực ứng phó, không được chủ quan.Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Văn Cường nhận định bão có đường đi, thời điểm xuất hiện gần giống bão số 12 Damrey năm 2017 (làm hơn 40 người chết), nhưng lượng mưa sẽ lớn hơn, vùng ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10 lâu và rộng hơn. Lượng mưa dự kiến trong ba ngày (từ 24 đến hết 26/11) có nơi lên đến 500-600 mm.
Khánh hòa lên phương án đối phó với bão
Ngày 22/11, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND Khánh Hòa cho biết tỉnh đang tập trung sức lực, ứng phó khi áp thấp mạnh lên thành bão số 9 đổ bộ vào đất liền. "Trận sạt lở tại Nha Trang năm hôm trước khiến 19 người chết, nhiều nhà cửa đổ sập, đến nay vẫn chưa khắc phục xong nên phải hạn chế những thiệt hại", ông Vinh nói.
Người dân xúc đất trên bãi biển Nha Trang để chằng chống nhà cửa.
"Chúng tôi dự kiến sơ tán 280.000 dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào, những trường hợp không rời vùng bão sẽ bị cưỡng chế", người đứng đầu chính quyền tỉnh khẳng định và cho biết, hàng trăm lồng bè, 4.000 tàu cá cần được di dời.Theo ông Vinh, Khánh Hòa hiện có 1.000 điểm xung yếu. Các địa phương phải cử lực lượng đến từng địa điểm kiểm tra, đặc biệt vùng ven biển, thấp trũng có gió mạnh, tránh tư tưởng chủ quan. Người dân không được ở lại nhà tạm, có nguy cơ tốc mái, sập đổ.
Địa phương cũng nghiêm cấm các đơn vị lữ hành trên địa bàn đưa khách tham quan các đảo; đồng thời có phương án, thông tin hỗ trợ khách du lịch còn lưu trú để họ được đảm bảo an toàn trong những hôm bão.
Tàu thuyền không được ra khơi, phải neo đậu vào bờ. Hồ chứa nước cần điều tiết, khi xả lũ phải hợp lý tránh trường hợp lũ dồn dập. Các công trình xây dựng cao tầng, chủ đầu tư phải tháo dỡ, hạ thấp độ cao cần cẩu, phương tiện thi công và che chắn khu vực xây dựng.
Ngoài ra, ngành giáo dục chủ động theo dõi tình hình thời tiết để phát thông báo cho tất cả học sinh nghỉ.
Trường Sa mưa lớn
Lãnh đạo huyện đảo Trường Sa cho hay, do ảnh hưởng của bão, hôm nay tại huyện mưa, biển động dữ dội. Chiều qua, 12 tàu cá ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản gần đấy đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn. Trên tàu 94 thuyền viên trên tàu được đưa vào trong khu dân cư.
Sở chỉ huy Vùng 4 hải quân và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cho hay, quân đội, hải quân đã tập trung lực lượng ứng phó, sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các chiến sĩ Hải quân chằng chống nhà cửa trên đảo Song Tử Tây
Tại đảo Song Tử Tây, nơi dự kiến tâm bão quét qua, cây cối được cắt tỉa. Các chiến sĩ hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Kho lương thực, hệ thống pin mặ trời, đèn năng lượng cùng người dân đã được đưa tới nơi cao ráo, nhà kiêng cố.
Ngoài ra, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 146 Hải quân đã hỗ trợ nước ngọt cho người dân trên đảo; đồng thời cử lực lượng túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó khi bão ập tới.