Bà Rịa- Vũng Tàu: Hướng tới một ngành kinh tế cảng biển vững mạnh

Thụy Hậu|01/01/1970 08:00

(VLR) Để phát triển nhanh, mạnh, vững chắc kinh tế cảng biển, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển. Qua đó, địa phương này đang hướng tới một ngành kinh tế cảng biển vững mạnh.

Đi đầu trong hệ thống cảng thương mại tổng hợp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng Baria Serece, được khởi công năm 1996. Tiếp đó, nhận thấy được tiềm năng lớn trên sông Thị Vải - Cái Mép, nhiều nhà đầu tư đã tập trung xây dựng cảng dọc trên dòng sông này.

Cảng PTSC dầu khí Vũng Tàu (Ảnh: K.V)

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trên năm mươi dự án cảng biển. 24 cảng đã hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó có các cảng lớn và hiện đại như: CMIT, SP-PSA, SITV, Tân Cảng - Cái Mép. Hiện có gần 30 cảng đang trong quá trình xây dựng và 1 cảng tiếp tục đầu tư với quy mô lớn, đó là cảng Cái Mép hạ cùng với trung tâm logistics.

Hiện 24 cảng của Bà Rịa – Vũng Tàu được đưa vào khai thác có tổng công suất khoảng 67,5 triệu tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc đưa hàng từ các nơi về cảng với giá thành thấp, tạo được sức hút và sự cạnh tranh về giá cả, thời gian trong thông thương hàng hóa với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Năm 2010 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đạt hơn 37,1 triệu tấn. Hiện tại, tàu container lớn nhất từ trước đến nay đã cập Cảng Quốc tế SP-PSA, Tân cảng Cái Mép và xuất phát đi thẳng đến các cảng của Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn, trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết hợp với lợi thế cảng nước sâu, Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị cảng biển hiện đại.

Với tổng công suất tính theo luồng lạch và dòng chảy hiện tại là 120 triệu tấn/năm. Tàu vào “ăn” hàng ở cảng hiện nay lên đến 110.000 tấn. Nếu thực hiện nạo vét, nắn thẳng luồng lạch để tàu trọng tải lớn vào thì công suất có thể lên đến 300 triệu tấn/năm. Cung đường vận chuyển hàng hóa Việt Nam đi thẳng Châu Âu và Bắc Mỹ không qua cảng trung chuyển đầu tiên của Việt Nam, xuất phát từ Bà Rịa – Vũng Tàu đã rút ngắn lịch trình xuống 3 – 4 ngày/chuyến. Có tuyến, có luồng, có chân hàng từ Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ và khu vực Đông Nam bộ - đó là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cụm cảng khác trên cả nước, trong việc đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong ba năm, từ năm 2007 đến năm 2010, ngành kinh tế biển của Bà Rịa- Vũng Tàu đã cho thấy tiềm năng thực sự của nó. Có thể thấy kinh tế cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành rõ nét với các tập đoàn đầu tư và khai thác cảng biển lớn của thế giới như Hutchison Port Holding (HongKong – Trung Quốc), PSA (Singapore), SSA (Mỹ)… vào đầu tư.

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 3 cảng nước sâu đi vào hoạt động, có thể đón tàu từ 50.000 – 110.000 tấn. Việc đưa vào khai thác cảng container SP- PSA và Tân Cảng - Cái Mép thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí cảng biển nước sâu của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đây mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.

Việc các tàu lớn cập cảng cùng với Công ty APL mở tuyến container đầu tiên trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam đã mở ra một trang mới cho ngành vận tải biển Việt Nam: Hàng hóa từ Việt Nam có thể được vận chuyển trực tiếp đến các nước châu Âu, Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng trung gian ở Xinhgapo, Hồng Công, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhờ đó, thời gian vận chuyển nhanh hơn và không tốn chi phí trung chuyển, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, sau hơn một năm đi vào hoạt động, các cảng container tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón hàng trăm lượt tàu container là tàu mẹ và tàu trung chuyển có trọng tải trên 100.000 tấn vào ăn hàng. Tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải dự kiến đạt khoảng 800.000 TEU trong năm 2011 và tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, khi một số cảng mới đưa vào hoạt động, như SSIT (dự kiến vào tháng 12/2011), ODA (dự kiến năm 2012) và Gemalink (dự kiến cuối năm 2013). Rõ ràng, hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới được xác định là: Tiếp tục phát triển về kinh tế biển, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, cảng biển theo hướng hiện đại vào đầu năm 2015. Trước đây, nói đến kinh tế biển của Bà Rịa – Vũng Tàu là người ta chỉ nghĩ đến du lịch biển, khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản. Nhưng qua quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tiềm năng, thế mạnh về cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu dần dần bộc lộ. Định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí đang trở thành hiện thực.

Với góc độ lợi ích toàn vùng, gần 20 km cảng biển, công suất có thể đạt hơn 120 triệu tấn hàng hóa thông qua mỗi năm, nếu tính giá trị tại thời điểm này, thì mỗi năm tỉnh có thể thu về trên dưới 60 nghìn tỷ đồng. Và trong 5 đến 10 năm tới, kinh tế cảng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thay thế dầu khí của những năm trước đây.

Nhiều năm qua, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế khác, Bà Rịa - Vũng Tàu đã là trung tâm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển. Tốc độ phát triển các cảng diễn ra khá nhanh, nhiều cảng nước sâu đi vào hoạt động, thu hút nhiều hãng tàu nổi tiếng trên thế giới vào làm hàng tại đây.

Hệ thống cảng nước sâu đi vào hoạt động làm cho vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Bà Rịa – Vũng Tàu được nâng lên. Dòng vốn đầu tư phát triển cảng chảy mạnh, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư vào tỉnh để tận dụng lợi thế cảng, đồng thời tạo chân hàng cho các cảng.

Ông Nguyễn Tuấn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Với mục tiêu phát triển chủ yếu dựa vào kinh tế biển, trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển hiện đại, chiến lược phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đến việc đưa cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế, chứ không chỉ để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước. Ông Nguyễn Tuấn Minh khẳng định: “Phát triển cảng biển là nhiệm vụ trọng tâm của Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới”./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa- Vũng Tàu: Hướng tới một ngành kinh tế cảng biển vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO