1.png
2(2).png

Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như khai thác dầu khí, du lịch biển, cảng biển, đánh bắt thủy sản...

Nhiều năm qua, với những chủ trương, chính sách cụ thể và nhất quán, tỉnh BRVT được ghi nhận và đánh giá là địa phương đi đầu trong khai thác tiềm năng, tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhằm nhanh chóng đưa BRVT trở thành trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics lớn của khu vực và quốc tế.

7(2).png



Theo đó, tỉnh đã có những đầu tư cho việc phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển nước sâu đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BRVT có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm; trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Nhằm phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh BRVT đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo công bố danh mục cảng biển Việt Nam (Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/72022 của Thủ tướng Chính phủ) trong số 34 cảng biển Việt Nam, cùng với Cảng biển Hải Phòng, Cảng biển BRVT được xếp là cảng biển loại đặc biệt.

Ngoài ra, để "tận dụng" hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp (KCN) gắn với cảng biển. Đến nay, BRVT có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD…

Trong hoạt động khai thác cảng biển, BRVT tiếp tục tăng trưởng khá. Hiện tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, với diện tích khoảng 800ha để phục vụ cho hệ thống cảng trung chuyển quốc tế của tỉnh và vùng.

3(1).png

BRVT là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất hiện nay. Ðây cũng là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn thứ hai (sau Kiên Giang) với hơn 6.000 phương tiện đánh bắt; là một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển của Việt Nam...

Trong lĩnh vực phát triển du lịch biển, tỉnh BRVT có 4 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách, đó là thành phố Vũng Tàu, Long Hải – Phước Hải, Bình Châu - Hồ Tràm và Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, BRVT đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

5(1).png

Được biết, địa phương này cũng đang đặt ra quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu vào 5 trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là thành phố Vũng Tàu, cụm du lịch Long Hải - Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh - Bà Rịa, cụm du lịch Bình Châu - Hồ Tràm và cụm du lịch Côn Ðảo... Tỉnh cũng tăng cường công tác rà soát các dự án du lịch chậm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư có đẳng cấp vào đầu tư tại BRVT. Mặt khác, để đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tỉnh này đã cho xây dựng tuyến đường ven biển nối thành phố Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận dài vài chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư các dự án du lịch lớn đã tìm về đây, trong đó có không ít dự án có số vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, có tính dẫn dắt, định vị thương hiệu du lịch biển uy tín của tỉnh nhà.

Thời gian qua, tỉnh đã xác định phát triển du lịch là một trong các trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, vùng biển và ven biển từ Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu của tỉnh và huyện Côn Đảo tập trung hoạt động du lịch. Trong đó, trục động lực kinh tế du lịch của tỉnh được định hình tại khu vực ven biển phía Đông Nam dọc tuyến đường ven biển Vùng Tàu - Bình Thuận, với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải, Hồ Tràm - Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo...

4(1).png

Cùng với phát triển kinh tế, BRVT chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển...

BRVT thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển kết nối TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, sân bay Long Thành, Bình Thuận chạy dọc theo bờ biển với tổng chiều dài 76 km (qua 6/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh), giải quyết điểm nghẽn trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế biển liên hoàn, toàn diện giữa BRVT với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế.

6(1).png


Mặc dù tỉnh BRVT có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên trên thực tế việc khai thác và phát huy các lợi thế từ kinh tế biển vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là trong khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mới đây nhất, tại Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các cảng nước sâu với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực chưa thật sự tốt, từ lâu đã trở thành “điểm nghẽn” của sự phát triển.

Nhận thức được vấn đề và tầm quan trọng, vị thế của BRVT trong vai trò kết nối, động lực trong liên kết hợp tác phát triển kinh tế vùng. Đảng bộ và Chính quyền BRVT thời gian qua đã có nhiều chủ trương, quyết sách với nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả hệ thống cảng nước sâu hiện đại của tỉnh, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ, đổi mới trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế ở các lĩnh vực mà BRVT đang là địa phương có thế mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trở thành trung tâm cảng biển - logistics quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO