Năm 2019, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2015 - 2020)
Với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các ngành trọng điểm, các dự án thu hút đầu tư nước ngoài tại BR-VT đã góp phần tạo cơ hội việc làm, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, tăng cường các hoạt động có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Thời gian qua, BR-VT đã có những chính sách phù hợp để hỗ trợ và phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào mạng lưới chuỗi cung ứng của tỉnh và khu vực miền Đông Nam Bộ. Đó cũng chính là lợi thế duy trì sự phát triển chung của nền kinh tế BR-VT.
Sau 4 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2015 - 2020), đến nay các công việc đang theo đúng tiến độ, các chỉ tiêu ước thực hiện trong 5 năm phần lớn đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Cụ thể, GRDP không tính dầu khí ước tăng 7%/năm (Nghị quyết tăng 7%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 8,56%/năm (Nghị quyết tăng 7,6%/năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 10,41%/năm (Nghị quyết tăng 10%/năm); doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tăng 13,3%/ năm (Nghị quyết tăng 12,2%/năm); doanh thu dịch vụ lưu trú ước tăng 13,2%/năm (Nghị quyết tăng 6,76%/năm); doanh thu dịch vụ cảng tăng 10,14%/ năm (Nghị quyết tăng 6,65%/năm); giá trị xuất khẩu trên địa bàn trừ dầu khí trong 5 năm khoảng 22,28 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 11,6%/năm (Nghị quyết đạt 19,8 tỷ USD, tăng 10%/năm); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,58%/năm (Nghị quyết tăng 3,53%/ năm), lâm nghiệp tăng 1,26%/năm (Nghị quyết tăng 1,24%/năm); tổng vốn đầu tư phát triển trong 5 năm khoảng 229 ngàn tỷ đồng, tăng 6,17%/năm (Nghị quyết đạt 206.606 tỷ đồng, tăng 1,39%/năm).
Năm 2020, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút FDI
Chiến lược phát triển năm 2020 và thời gian tới, tỉnh BR-VT tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối tỉnh với các địa phương trong khu vực, gồm các đường kết nối hệ thống cảng với quốc lộ 51, các khu công nghiệp và logistics, kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa và kho bãi xung quanh hệ thống sông nội địa quanh cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV). Thúc đẩy việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối Cảng CM-TV về hệ thống ga hàng hóa tại các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm.
Hiện nay, tỉnh BR-VT cũng đã lập quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích trên 800ha; dự kiến sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2020; đây là một trong những dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm góp phần phát triển hệ thống logistics cũng như hệ thống cảng CM-TV trở thành cảng cửa ngõ quốc gia, trung chuyển quốc tế.
Cùng với ưu thế về hạ tầng, dịch vụ cảng biển, các yếu tố như: chi phí lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, thuế, đổi mới, tăng trưởng kinh tế, tất cả đều là những điểm cộng giúp địa phương này thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2020, BR-VT sẽ đầu tư phát triển mạnh cho hệ thống cảng biển CM-TV và logistics nhằm kết nối tỉnh BR-VT với chuỗi cung ứng châu Âu.
Đón đầu cơ hội từ các FTA
Các nhà khai thác logistics cũng đang mở rộng ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi các xu hướng trong nước mạnh mẽ như: thương mại điện tử, phát triển thương mại nội khối và nâng cao hiệu quả logistics tại khu vực. Trong số các nước Đông Nam Á, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có hoạt động logistics hiệu quả nhất. Khi các hiệp định bao gồm Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN được ký kết năm 2019, tự do hóa thị trường đã đạt được theo Hiệp định khung dịch vụ ASEAN (AFAS) và Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử (được ký năm 2018). Thị trường 3PL ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,5% trong vài năm tới, từ 36 tỷ USD năm 2017 lên tới 56 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tổng thị trường hậu cần tại ASEAN vào năm 2025 có thể vượt 110 tỷ USD về giá trị thương mại điện tử của sáu quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngoài những hiệp định khung của ASEAN, một điểm sáng khác thu hút đầu tư FDI của Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trên khắp châu Á, có 42 FTA đã được đàm phán và hoàn thành ký kết. Đối với ASEAN, hiện tại, có các FTA với Úc và New Zealand, Trung Quốc (đại lục), Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với Việt Nam, dự kiến từ năm 2020, EVFTA sẽ tác động tích cực tới thương mại Việt Nam - EU. Rõ ràng, các FTA có thể giúp thúc đẩy sự gia tăng xuất khẩu và mang lại lợi ích tiếp theo của việc tạo việc làm và tăng lương. Điều này rất quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, lợi ích của FTA sẽ không thành hiện thực nếu như các địa phương không tận dụng được nó.
Nhận diện được bối cảnh ấy, năm 2020, tỉnh BR-VT tiếp tục phát huy và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiên trì thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Chủ động kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tốt nhất cho sự phát triển của địa phương. Với những thuận lợi và thách thức đó, BR-VT hứa hẹn sẽ tiếp tục là những địa chỉ đầu tư FDI tiềm năng trong năm 2020 và thời gian tới.