BR-VT là một tỉnh có nhiều lợi thế so sánh vượt trội về cảng nước sâu với hệ thống cảng biển đang hình thành và phát triển. Hệ thống sông Cái Mép - Thị Vải là hệ thống sông có nhiều thuận lợi để tàu biển trọng tải lớn tới neo cập và làm hàng nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các chủ tàu, các nhà khai thác cảng hàng đầu trên thế giới tới tham gia đầu tư khai thác. Với sự tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ kéo theo hàng hóa trung chuyển từ các nơi khác về cảng BR-VT để vận chuyển, hành hải tới các quốc gia trên thế giới. Với việc thiết lập chi nhánh này, các công ty logistics toàn cầu đã kết nối BR-VT với các quốc gia khác trên toàn thế giới, đưa BR-VT thành một điểm trung chuyển trong mạng lưới toàn cầu của hệ thống logistics toàn cầu.
Trong những năm vừa qua, một số cảng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT đã kết nối trực tiếp các tuyến hành hải đi châu Âu và châu Mỹ, giúp chủ hàng giảm thời gian vận chuyển do không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông như trước đây, từ đó giúp hàng hóa của các doanh nghiệp giảm chi phí và tăng giá trị. Theo đó, nhiều cảng tổng hợp container hiện hữu trên địa bàn tỉnh BR-VT sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút hàng hóa trong nước và quốc tế.
Nhờ điều kiện thuận lợi đó, hàng hóa từ các địa phương lân cận trong vùng KTĐLPN như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận,… cũng như hàng hóa từ các nước tiểu vùng sông Me Kông, đặc biệt là Campuchia sẽ được hấp dẫn tới các cảng Cái Mép - Thị Vải để trung chuyển quốc tế. Trong những năm vừa qua, một số công ty vận chuyển đã mở các tuyến sà lan feeder vận chuyển hàng hóa từ Campuchia tới Việt Nam (ví dụ Gemadept) bằng đường thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hàng hóa từ Campuchia trung chuyển quốc tế.
Để phát triển lĩnh vực logistics cũng như phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư hạ tầng kết nối là rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho ngành dịch vụ logistics bao gồm các trung tâm logisitcs, cảng biển, đường kết nối,… BR-VT là địa phương có lợi thế về cảng biển nước sâu có khả năng kết nối với tuyến hành hải quốc tế, vì vậy cơ sở hạ tầng kết nối hệ thống cảng thuận lợi sẽ giúp ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các tuyến giao thông vận tải cần tập trung đầu tư trước mắt là tuyến đường liên cảng, Quốc lộ 51B, nhánh giao thông kết nối vào cảng (đường 965, tuyến đường Cái Mép - Hội Bài,…) đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây chính là lợi thế về hạ tầng mà không phải địa phương nào cũng có được, trong thời gian tới, khi các kế hoạch về hạ tầng giao thông được thực hiện, thì con đường trở thành trung tâm logistics như là một quy luật của một vùng đất đầy tiềm năng về cảng biển và logistics.
Dịch vụ logistics là một dịch vụ phức hợp, bao gồm các dịch vụ vận tải, lưu kho, gom hàng, đóng gói, dán nhãn, lắp ráp sản phẩm, hỗ trợ tài chính,… Dịch vụ logistics có tác dụng gắn kết, kết nối các dịch vụ với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với mục tiêu nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Trong các dịch vụ trên thì dịch vụ vận tải, kho bãi là các dịch vụ cơ bản nhằm phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng biển để vận chuyển đến các khách hàng trên toàn cầu. Đối với tỉnh BR-VT, mặc dù có những ưu thế và tiềm năng phát triển cảng biển, nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước làm dịch vụ hậu cần sau cảng trên địa bàn tỉnh còn yếu, thiếu sự hợp tác trong việc tổ chức liên hoàn các loại hình dịch vụ logistics. Đa số các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở vai trò vệ tinh, cung cấp dịch vụ cho các hãng nước ngoài một số phần việc trong cả chuỗi hoạt động logistics. Nhưng khi Đề án phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020 của BR-VT được triển khai, đặc biệt là trung tâm logistics được hình thành sẽ là nơi tập trung các công ty kinh doanh dịch vụ logistics phục vụ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty này sẽ kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng như các tỉnh trong vùng Kinh tế động lực phía Nam với thế giới thông qua các hoạt động của mình và các dịch vụ logistics đang được các công ty, tập đoàn sử dụng nhiều trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào và phân phối sản phẩm đầu ra của mình.
Theo thống kê từ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, hiện có 59 tổ chức doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng hải trên địa bàn tỉnh, bao gồm loại hình dịch vụ: Đại lý tàu biển, Đại lý làm thủ tục hải quan, Đại lý vận tải biển, Môi giới hàng hải, Cung ứng tàu biển, Kiểm đếm hàng hóa, Lai dắt tàu biển, Sửa chữa tàu biển tại cảng, Vệ sinh tàu biển, Xếp dỡ hàng hóa tại cảng, Hoa tiêu. Hiện các doanh nghiệp này đang hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các cảng biển tiếp nhận hàng hóa. Cộng thêm 14 khu công nghiệp đã hoạt động hoặc đang triển khai đầu tư hạ tầng tại BR-VT cùng với các tập đoàn toàn cầu khi tham gia đầu tư xây dựng khai thác cảng tại Cái Mép - Thị Vải sẽ kéo theo các nhà đầu tư khác đến đầu tư kinh doanh, do đó sẽ tạo điều kiện để xây dựng BR-VT thành điểm trung chuyển hàng hóa cho khu vực cũng như thế giới.