Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sử dụng lối nói vần của chèo với kiểu thơ 4 chữ như:
“Nó là con gái
Có ma cà rồng”
Đây là lời độc ác của kẻ xấu vu oan cho cô Sao là ma cà rồng để mọi người xa lánh, kinh tởm. Ông cũng sử dụng một trong những thủ pháp hát nói có nhiều cao trào của tuồng để thể hiện trong vai cô Sao:
“Quân bay gian ác
Bắt ta về đây
Hỡi núi cao chỉ lối dùm ta”
Hay: “Ta hay là ma?
Ta là người, ta không phải là ma” (số 5 màn 1)
Nhân vật Sao đã bộc bạch được thân phận của chính mình và cách thể hiện của Sao làm người xem liên tưởng đến lối “tự bạch” trong hát tuồng: “Như ta đây là...” để tự giới thiệu về chính nhân vật.
Vai cô Sao thuộc dân tộc Thái nên tác giả cũng đã kế thừa những ngôn ngữ của thơ ca dân tộc Thái như:
“Em nghĩ sao không ra
Lo nhiều mà không được
Máu không chảy mà xót tận tim” (số 12 màn 1)
Ở một phương pháp khác, trong opera Nguyễn Trãi ở Đông quan, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sử dụng lối thơ thất ngôn tứ tuyệt để tạo ấn tượng của thời xưa, phù hợp với hoàn cảnh, nội dung kịch. Lối thơ này cho thấy yêu cầu thể hiện gần với lối hát thơ - ngâm thơ cổ. Chân dung cô Trúc - cô gái duyên dáng, ý nhị, tài sắc được tác giả diễn tả bằng thể thơ cổ Việt Nam:
“ Một đóa đào hoa khéo thật tươi
Trường xuân mơn mởn đóa xuân cười
Đông phong ắt có tình hay nữa
Thoang thoảng mùi hương dễ động người” (số 3 hồi 1 cảnh 1)
Vai Đào Xuân với những nỗi niềm buồn đau, chất chứa trong lòng, nội dung diễn đạt theo thể thơ dân gian Việt Nam (thơ lục bát):
“Hỏi người tưới nước gánh hoa
Có ai biết được lòng ta chốn này
Nhớ ai ai những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đìa như mưa” (số 6 hồi 1 cảnh 1)
Hoặc, tiết mục đào Xuân vừa đàn hát, vừa chuốc rượu hai tên quan Tàu, đào Xuân hát trong men say với nỗi niềm đắng cay của cuộc đời qua những câu thơ lục bát đan xen những âm đệm: ơ...i i hư ư hừ…hư hư hư...ớ ơ trong lối hát ca trù. Trong một tình huống kịch khác, tác giả sử dụng lối văn “biền ngẫu”: từ đối từ, câu đối câu, dẫn điển tích, điển cố: Đào Xuân hát “Ông trời có mắt, ác giả ác báo, tên cõng rắn cắn gà nhà”; “tát cạn nước biển Đông không rửa sạch tanh hôi, chặt hết trúc Nam Sơn chưa ghi được tội ác. Thần, người đều căm giận đất trời chẳng dung tha” (số 11 hồi 1 cảnh 1).
Đặc biệt, khi xem opera Lá đỏ, người xem cảm nhận được vở diễn vừa có màu sắc dân tộc, lại vừa có tính nghệ thuật hiện đại. Không những trong kịch bản âm nhạc mà cả trong kịch bản văn học cũng vậy. Trong quá trình viết kịch bản, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đưa vào những yếu tố đặc trưng của chèo, loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Bà đã phân tích:
“Kịch hát dân tộc dạy về tính ước lệ, cách điệu, hóa thân. Sân khấu ước lệ cho phép để các chị thanh niên xung phong khi hy sinh hóa thân thành hình tượng vừa thực vừa hư, vừa mang ý nghĩa nhân sinh rất lớn, đó là các chị được bất tử. Và nhân vật thần núi cũng là một sự sáng tạo của tôi. Tôi muốn biến dãy Trường Sơn không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ thoại của các nhân vật mà rõ ràng phải là nhân vật. Tôi biến ông thần ấy thành một người dẫn truyện. Giống như trong các vở Chèo cũng có người dẫn truyện, ước lệ của sân khấu dân tộc. Tuy hơi cổ tích một chút, huyền thoại một chút nhưng hoàn toàn hợp lý”. (Trích nhận xét của Nguyễn Thị Hồng Ngát trong bài viết “Nhạc kịch Lá đỏ - sự kết hợp hài hòa giữa nhạc bác học và âm nhạc dân tộc” của tác giả Phương Ngà đăng trên Tạp chí Văn nghệ - Đài tiếng nói Việt Nam – VOV, ngày 08/6/2016).
Ngôn ngữ diễn đạt trong các vở opera Việt Nam đã được các nhạc sĩ thể hiện rất đặc sắc, phong phú, dồi dào... tùy theo bối cảnh lịch sử, không gian phản ánh câu chuyện, phong cách vùng miền và những đặc trưng riêng của từng dân tộc.
Để diễn tả núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, cảnh rừng cây đứng lên, Sơn La nổi gió... dàn nhạc đã sử dụng tiếng cồng trầm hùng, âm vang (số 1, 2, 3, 4, 11 màn 1; số 28 màn 3 opera Cô Sao). Ở các màn múa hát đậm chất dân ca Tây Bắc của chị em đội xòe cùng cô Sao, dàn nhạc đã sử dụng nhạc cụ đặc trưng là đàn tính (số 11, 15 màn 1; 19, 20, 21 màn 2 vở Cô Sao)
Trong các tiết mục hát với giai điệu Tây Nguyên, các màn nhảy múa của các dân tộc trong những ngày lễ hội, luôn có sự tham gia của: đàn t’rưng, k’lôngput (số 5 màn 1 opera Bên bờ K’rông Pa ); cồng, chiêng, trống Tây Nguyên (số 3, 4, 7, 14 màn 1; số 9 màn 3 opera Bên bờ K’rông Pa); hay, những tiết mục của già Ma Tông hát, kể khan, kêu gọi buôn làng, ngoài tiếng cồng, chiêng, còn có tiếng đàn goong vang lên, khắc họa hình ảnh của vị già làng với cây đàn goong trên tay (số 7, 10 màn 1; số 5 màn 2 opera Bên bờ K’rông Pa).
Một số nhạc cụ dân tộc như: chuông, mõ, kèn sô na, bộ gõ dân tộc... được sử dụng xuyên suốt những tiết mục mang đậm màu sắc tôn giáo, rất ấn tượng, đạt hiệu quả cao. Trong khung cảnh ở Chùa, hình ảnh của nhân vật Nga đang tụng kinh cầu nguyện đức Phật Như Lai đem tình thương phổ độ chúng sanh, cầu mong tâm được thư thái, bình an. (số 1 màn 1; số 8, 9 màn 2 opera Tình yêu của em) hay tiết mục Cầu Phật, khi thần núi truyền chưởng lực vào những chiếc lá đỏ để phục hồn cho các cô gái, cánh cửa hang mở ra, bầu trời trong xanh, các cô hóa thành tiên nữ bay lên. (số 33, 34 hồi 2 cảnh 6 opera Lá đỏ).
Những nhạc cụ luôn có mặt trong các lễ hội Tây Nguyên, lễ hội các dân tộc thiểu số như: cồng, chiêng, trống Tây Nguyên, đàn t’rưng, đàn goong, k’lông put, đàn tính hay các nhạc cụ dân tộc có mặt trong dàn nhạc các loại hình sân khấu truyền thống tuồng, chèo, cải lương như: trống chèo, trống cái, trống ngũ liên, kèn sô na, mõ, chuông, thanh la, đàn tam, đàn bầu, đàn nguyệt, đều được các nhạc sĩ sử dụng trong các vở opera Việt Nam hết sức đa dạng, phong phú, càng làm thấm đẫm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và tâm hồn con người Việt Nam.