Bài học Cảng Phú Định

Đình Dũng|01/01/1970 08:00

(VLR) Cảng sông Phú Định là một trong 3 dự án cảng trọng điểm tại TP.HCM theo Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 3.2.2000 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 6.8.2008 của Bộ GTVT Về việc Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển GTVT Đường thủy nội địa VN đến năm 2020. Cảng có công suất 500.000 tấn năm, tiếp nhận được tàu 3.000 tấn được phê duyệt xây dựng từ năm 2001 trên diện tích hơn 50ha.

Từ thực trạng…

Sau gần 10 năm thi công, với số vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, một phần cảng Phú Định được đưa vào sử dụng từ tháng 9.2011 nhưng đến nay, hoạt động kinh doanh của cảng này không hiệu quả vì những bất cập trong hệ thống đường dẫn cả thuỷ lẫn bộ vào cảng và nhiều lý do khác dẫn đến thiệt hại kinh tế cho chủ đầu tư.

Theo những thông tin do đại diện của đơn vị đầu tư và quản lý thì cảng hoạt động không hiệu quả vì nguyên nhân hệ thống đường dẫn trên bộ vào cảng bị hạn chế, đường nhỏ, hẹp, xuống cấp cùng với những biện pháp hành chính cấm xe tải, xe container lưu thông ban ngày đã gây khó khăn cho các hoạt động tại cảng. Bên cạnh là các tuyến sông dẫn vào khu vực cảng quá hẹp, nước cạn nên các tàu lớn không thể ra vào để neo đậu được ngoài ra cảng còn bị cạnh tranh bởi các bến cóc nhỏ dọc sông.

Đơn vị chủ quản cũng đã đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành liên quan, kế cả dùng biện pháp hành chính như dẹp bỏ các bến cóc… nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy kinh doanh để nâng cao hiệu quả khai thác cảng, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thì bản thân hệ thống cầu cảng tại Phú Định có thiết kế lạc hậu nên 5 cầu cảng với sức tải tối đa gần 400 tấn không còn phù hợp với tình hình vận chuyển hàng hóa của các tàu thuyền hiện nay, đặc biệt không đủ điều kiện để đón những sà lan, tàu lớn (vì yếu tố an toàn), vì vậy muốn khai thác được cần phải nâng cấp hệ thống cầu cảng song song với việc nạo vét, khơi thông lạch tuyến sông tạo điều kiện phát triển hơn.

Như vậy có hai nhóm giải pháp liên quan đến đến nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, kỹ thuật (cầu cảng, tuyến lạch sông, đường bộ) và hỗ trợ kinh doanh đều đã được đưa ra nhưng có lẽ rất khó giải quyết trong một sớm một chiều vì liên quan đến nguồn vốn nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tình hình giao thông của thành phố cũng đã quá nóng. Còn giải pháp liên quan đến hỗ trợ kinh doanh như thanh tra, kiểm tra xử lý “bến cóc”, khu vực bốc dỡ tư nhân trên tuyến đường thuỷ và bộ với mong muốn của chủ đầu tư là dồn hàng vào cảng thì theo cơ quan chức năng không thể dùng mệnh lệnh hành chính trong môi trường kinh tế tự do cạnh tranh.

…Đến tầm nhìn quy hoạch

Trong vấn đề quy hoạch nói chung, cảng sông nói riêng, xác định địa điểm quy hoạch là việc làm vô cùng quan trọng và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi được trình duyệt. Ngoài việc nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các yếu tố liên quan đến khoa học, kỹ thuật thì việc nghiên cứu đánh giá, dự báo khả năng phát triển kinh tế, xã hội, dân cư… cũng là việc làm không thể thiếu của các nhà quy hoạch.

Câu hỏi được dư luận quan tâm là tại sao, một dự án quan trọng, nằm trong quy hoạch quốc gia, như Phú Định, được đầu tư lớn, triển khai xây dựng trong một thời gian dài mà vẫn không khắc phụ được những hạn chế, bất cập không đáng có và những lãng phí tiền vốn của nhà nước thì ai là người chịu trách nhiệm? Phải chăng ở đây là tầm nhìn quy hoạch hay trách nhiệm của chủ đầu tư?
Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng việc đầu tư xây cảng không có hiệu quả là do thiếu tính đồng bộ trong việc thực hiện các dự án đầu tư cảng biển, cảng sông.

Việc làm quy hoạch là vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến sự phát triển trong lâu dài, do vậy muốn có được các quy hoạch tốt, VN cần những nhà làm quy hoạch có tâm và có tầm nhìn. Nếu không, việc đầu tư lớn sẽ dẫn đến nguy cơ thiệt hại không chỉ cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Nên chăng, sau những gì đang xảy ra ở Phú Định và nhiều cảng sông, cảng biển khác, các nhà quản lý nên rà soát, đánh giá lại hệ thống quy hoạch của mình để khắc phục những tồn tại, tránh lãng phí cho các nhà đầu tư nhằm thực hiện đúng quan điểm phát triển của Chính phủ trong Quy hoạch tổng thể Phát triển GTVT Đường thủy nội địa VN đến năm 2020 là tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, tập trung đầu tư để phát triển tối đa lợi thế của ngành vận tải thủy nội địa (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường) để phát triển ngành GTVT đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bài học Cảng Phú Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO