Bàn thêm giải pháp giảm chi phí logistics ở Việt Nam

GS.TS. Đặng Đình Đào - TS. Đặng Thị Thúy Hồng|14/07/2021 08:52

(VLR) Chi phí logistics là những khoản chi phí gắn liền với quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế quốc dân. Chi phí logistics là vấn đề luôn được quan tâm, nghiên cứu, thảo luận tại nhiều diễn đàn. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin trao đổi thêm về câu chuyện chi phí logistics ở Việt Nam, để từ đó, hy vọng sẽ có các chính sách và giải pháp phù hợp hơn.

Chi phí logistics là những khoản chi phí gắn liền với quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế quốc dân

Chi phí logistics là những khoản chi phí gắn liền với quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế quốc dân

Các yếu tố của chi phí logistics

Là chi phí thực phát sinh trong quá trình cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân, do đó chi phí logistics cần phải được tính đúng, tính đủ trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta không thể ước tính (chỉ ước tính khi chưa bước vào kỳ kế hoạch) hay chỉ dựa vào phương pháp tính toán mang tính điển hình từ một số chuỗi cung ứng trên hàng nghìn chuỗi rồi quy ra cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân như hiện nay. Chính sách và giải pháp dựa trên những căn cứ đó khó mà đi vào cuộc sống. Việc tính đúng, tính đủ như đã nêu ở trên nghĩa là bao gồm cả chi phí logistics của doanh nghiệp logistics (LSP), chi phí logistics của doanh nghiệp sản xuất và chi phí logistics của toàn nền kinh tế quốc dân.

Đối với các doanh nghiệp LSP, tổng chi phí logistics trong kỳ được tính bằng cách tổng cộng các khoản chi phí về vận tải, bảo quản, giao nhận, chi phí quản lý hành chính, chi phí hao hụt… Chi phí logistics ở cấp doanh nghiệp được quản lý theo 4 chỉ tiêu: tổng chi phí logistics; tỷ lệ phí logistics (cần tính đến loại hình dịch vụ logistics hỗ trợ trong kinh doanh hàng hóa bán buôn, bán lẻ và kinh doanh dịch vụ logistics); mức giảm phí logistics và nhịp độ giảm phí logistics.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, chi phí logistics được tính cho logistics đầu vào và đầu ra và luôn nằm trong cơ cấu giá bán sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất. Theo tính toán của các nhà kinh tế, chi phí này thường chiếm khoảng 21%.

Đối với tổng chi phí logistics trong nền kinh tế quốc dân được tính bằng cách tổng cộng chi phí logistics của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế (địa phương, thành phố, vùng…), từ đó so với GDP để biết tỷ lệ phí. Đáng tiếc hiện nay, chúng ta chưa tính toán theo cách này. Từng doanh nghiệp logistics hay doanh nghiệp sản xuất đang tự tính theo cách của mình, trong khi đó nền kinh tế quốc dân lại dựa vào nghiên cứu tư vấn điển hình theo 12 chuỗi. (Ví dụ, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam năm 2015: 10% - 12%; năm 2016: 21% - 25%; năm 2017: 18% - 20%; năm 2018 : 20,9% - 25% và 2020: 16,8%. Còn bình quân thế giới: 10,7% (số liệu dựa trên sự tổng hợp của tác giả).

Rõ ràng là tính thuyết phục có vấn đề và khó phản ảnh đúng thực tế chi phí logistics Việt Nam và các khoản chi phí logistics của doanh nghiệp phải bỏ ra. Điều này cũng dễ hiểu khi, trong Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 về “đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông”, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics. Và thực tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa thấy một hệ thống chỉ tiêu như vậy trong các doanh nghiệp để thu thập, báo cáo thống kê logistics hàng năm. Vì thế, hy vọng lĩnh vực logistics Việt Nam sớm sẽ có một hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê logistics thống nhất để quản lý và đánh giá các hoạt động của ngành, còn cơ quan quản lý từ doanh nghiệp, ngành đến nền kinh tế quốc dân có thể tổng hợp được các báo cáo thống kê logistics đầy đủ, chính xác hơn.

Cần những giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp

Tuy nhiên, khi nói đến chi phí logistics và biện pháp giảm chi phí, thường chúng ta không tách bạch rõ ràng là chi phí logistics của doanh nghiệp LSP hay chi phí logistics của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hay là của toàn nền kinh tế quốc dân. Khi mà Việt Nam vẫn chưa có một bộ chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics thống nhất thì chúng ta không thể tính toán và đánh giá chính xác được các khoản chi phí này từ doanh nghiệp để tổng hợp cho ngành và nền kinh tế. Dưới đây là một số giải pháp có thể tham khảo.

Cần những giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp

Cần những giải pháp giảm chi phí logistics phù hợp

Đối với doanh nghiệp logistics

Đây là doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ logistics để hưởng thù lao (chiết khấu) và là nguồn thu nhập của chính các doanh nghiệp này. Nhưng để có thù lao hay nguồn thu từ hoạt động cung ứng, bản thân doanh nghiệp phải bỏ ra hay chi trả các khoản chi phí cần thiết và sau khi đã trừ các khoản chi phí, thuế… mới là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh logistics.

Thù lao dịch vụ cung ứng hay chiết khấu chính là giá dịch vụ trong cung ứng và giá này cũng phải tuân theo quy luật của thị trường. Cho nên, chi phí logistics cao hay tự bản thân doanh nghiệp LSP đẩy chi phí logistics lên cao nhằm tăng thu nhập thì sẽ mất khách hàng, mất thị trường, cuối cùng là tự mình làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ điển hình là, giá dịch vụ vận tải hành khách đường sắt quá cao, có lúc còn cao hơn cả giá vé máy bay cùng chặng trong khi dịch vụ đi kèm yếu kém, kết quả là hành khách quay lưng với đường sắt và chuyển qua đi bằng phương tiện ô tô hay máy bay. Cho nên các doanh nghiệp logistics cũng vậy phải phấn đấu giảm các khoản chi phí để giảm giá dịch vụ nhằm thu hút khách hàng và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Do đó, quan điểm cho rằng giảm chi phí logistics là giảm thu nhập của doanh nghiệp logistics, nguồn thu và đóng góp của ngành logistics là không chính xác? Giảm chi phí logistics trong kinh doanh dịch vụ logistics là để mở rộng thị trường logistics, thu hút khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả theo quy mô cho các doanh nghiệp logistics. Biện pháp để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp LSP là tập trung giảm từng khoản mục chi phí liên quan đến vận tải, dịch vụ bảo quản, giao nhận, chi phí quản lý hành chính, chi phí hao hụt…

Đặc biệt là tập trung giảm chi phí vận tải, bởi chi phí này chiếm tới 60% - 70% nhờ các giải pháp tối ưu hóa khâu vận chuyển bằng phương pháp ghép mối trong cung ứng giữa các điểm cung ứng hàng và các điểm nhận hàng, đảm bảo tổng quãng đường vận chuyển ngắn nhất và quảng đường vận chuyển bình quân nhỏ nhất cho doanh nghiệp.

Đối với chi phí logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Đây là chi phí bằng tiền phát sinh từ các hoạt động logistics của doanh nghiệp cho quá trình cung ứng đầu vào và đầu ra sản phẩm. Là một bộ phận quan trọng cấu thành giá bán của sản phẩm nên khi chi phí này càng cao sẽ càng đẩy giá sản phẩm lên cao, khi đó doanh nghiệp khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Theo nghiên cứu ở các nước, chi phí này thường chiếm khoảng 21% giá bán, trong khi phần lợi nhuận chỉ ở mức 4% (tại Việt Nam thì chưa thấy thống kê, nghiên cứu nào công bố số liệu này). Tỷ lệ này cần được các doanh nghiệp Việt Nam tính toán cụ thể, rõ ràng hơn để có các giải pháp giảm chi phí đầu vào và đầu ra phù hợp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu giải pháp tổ chức quản lý tốt quá trình cung ứng các yếu tố đầu vào, giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, nhân sự…, đặc biệt, thuê ngoài dịch vụ logistics được coi là một giải pháp rất quan trọng nhằm giảm sâu chi phí logistics cho doanh nghiệp sản xuất.

Đối với tổng chi phí logistics cả nước và mức phí logistics trên GDP

Những chỉ tiêu này hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí logistics từ chính các doanh nghiệp LSP trong nền kinh tế. Chi phí logistics của các doanh nghiệp LSP trong nền kinh tế cao thì tổng chi phí logistics cả nước sẽ càng cao và sẽ làm cho mức phí logistics trên GDP cao. Nên câu chuyện giảm chi phí logistics của quốc gia, địa phương… phụ thuộc vào việc giảm chi phí logistics của chính các doanh nghiệp và cải thiện môi trường logistics hiện nay ở Việt Nam. Ngành logistics là một ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp, liên ngành luôn gắn với một chuỗi các dịch vụ xuyên suốt nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương… Vì vậy phấn đấu giảm được chi phí logictics phải có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực, luôn đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, phù hợp trước mắt và lâu dài trên cả 3 phương diện tổ chức quản lý, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực logistics…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bàn thêm giải pháp giảm chi phí logistics ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO