Bàn thêm về giải pháp phát triển kinh tế bền vững

Đặng Đình Đào|12/04/2019 08:57

(VLR) “Tấm huân chương bao giờ cũng có mặt trái của nó”, kinh tế Việt Nam những năm qua, nhất là thời kỳ đổi mới, tuy đã thu được rất nhiều kết quả tích cực, được người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, làm cho “kinh tế Việt Nam có thể đạt cao hơn, hiệu quả hơn” như lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Những rào cản, bất cập hạn chế sự phát triển

Điều này là do từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mất đồng bộ, cân đối giữa các khâu trong quá trình phát triển kinh tế từ tư duy phát triển, sự quan tâm, mức ủng hộ đến các chính sách đầu tư phát triển,... Cụ thể:

(1) Từ sản xuất, phân phối, lưu thông đến tiêu dùng luôn cần phải được quan tâm đồng bộ cho phát triển bền vững. Nhưng chúng ta đang quá thiên về khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng theo quy mô, theo số lượng nhưng khâu logistics cho sản xuất lại chưa được quan tâm đúng mức. Sự “mất cân xứng” giữa sản xuất và logistics diễn ra ngay từ khâu hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở hầu như các ngành và các địa phương...

(2) Trong xây dựng và mở rộng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các hành lang kinh tế, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hạ tầng kết nối với các phương thức vận tải khác. Trong quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông lại không hề tính đến xây dựng các trung tâm logistics làm chức năng kết nối vận tải, làm điểm dừng nghỉ văn minh, liên kết kinh tế các địa phương, khai thác các tiềm năng, thúc đẩy thương mại, cứu nạn giao thông... Hiện nay ở nước ta chưa hề có được một trung tâm logistics như vậy trên các tuyến hành lang kinh tế và các tuyến quốc lộ huyết mạch như: quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc, trong khi Quyết định 1012/QĐ-TTg lại khó đi vào cuộc sống.

(3) Tại các tỉnh, thành phố lớn, việc xây dựng hàng loạt khu chung cư, khu đô thị,... nhưng lại không hề tính đến một cách tổng thể khâu hậu cần logistics về hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước, hệ thống trường học và cả khu vui chơi giải trí cho cư dân... Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển bền vững, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước... ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, thành phố.

(4) Vận tải là hoạt động logistics có vai trò đặt biệt quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việt Nam với nhiều lợi thế về phương tiện vận tải như đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường ống và cả phương tiện vận tải điện tử. Nhưng thời gian qua, chúng ta quá chú trọng vào các chính sách phát triển và đầu tư cho đường bộ, đua nhau làm cảng biển, đường cao tốc, sân bay... Nhưng lại thiếu đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, đường kết nối đồng bộ, thiếu quan tâm phát triển đường sắt quốc gia, đường sắt kết nối các cảng biển quốc tế, đường thủy và đặc biêt là xây dựng các trung tâm logistics để phát triển vận tải đa phương thức.

(5) Việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua đã góp phần tích cực cho phát triển các loại hình doanh nghiệp, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cần phải chú ý, quan tâm nhiều hơn đến môi trường logistics bao gồm cả các yếu tố thể chế pháp luật logistics, cơ sở hạ tầng logistics, phát triển hệ thống các doanh nghiệp logistics có sức cạnh tranh cao và hệ thống các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics...

Kiến nghị logistics cho phát triển bền vững

Hậu cần là khâu tất yếu đảm bảo cho mọi nền kinh tế luôn được phát triển nhịp nhàng, bền vững và hiệu quả. Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2019, những năm tiếp theo và tận dụng cơ hội vàng từ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lầnhaiởthủđôHàNộivừaqua, Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, đặc biệt là cần khắc phục những mất cân xứng trong tư duy, trong các chính sách đầu tư phát triển nêu trên.

Trước hết, cần có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập. Không nên xem logistics chỉ là vận tải hay dịch vụ giao nhận đơn thuần mà cần được hiểu rộng hơn. Tư duy logistics là tư duy hiệu quả - tư duy tối ưu hóa trong các ngành, các địa phương và nền kinh tế quốc dân, nó đối lập với lợi ích cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm mà làm tổn hại đến lợi ích toàn cục, lợi ích vùng, lợi ích quốc gia.

Thứ hai, cần rà soát để sửa đổi và bổ sung kịp thời các chính sách phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng như giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, tài chính, đặc biệt là đối với ngành logistics, trực tiếp hậu cần cho sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Cần điều chỉnh và bổ sung, thậm chí hợp nhất thành một văn bản đối với các quy hoạch về phát triển các trung tâm logistics và hệ thống cảng cạn hiện nay, để các Quyết định 1012/QĐ- TTg ngày 03/7/2015 và Quyết định 2072/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 phù hợp hơn với thực tế logistics hiện nay, tránh lãng phí trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics.

Thứ ba, trên cơ sở hợp nhất 2 Quyết định 1012/QĐ-TTg và Quyết định 2072/QĐ-TTg, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cùng với UBND các tỉnh, thành phố cần khảo sát, đánh giá và định vị xây dựng các trung tâm logistics, khu công nghiệp logistics cho phù hợp với nhu cầu và thực tiễn nhằm góp phần giảm chi phí logistics, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, việc xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm logistics (đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia...), tiếp đến là xây dựng các khu công nghiệp logistics, cụm logistics để kết nối các địa phương nhằm thực hiện liên kết kinh tế, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh thu hút để gia tăng giá trị hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Khu công nghiệp logistics cần được xây dựng tại các trung tâm kinh tế, các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà địa phương, vùng đang sở hữu như đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, đường hàng không... Các trung tâm này phải được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, xây dựng với quy mô như các khu công nghiệp hiện nay, không nên chỉ đơn thuần là mở rộng thêm một số chức năng của các ICD hiện có,... Đây là giải pháp có tính đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, Quyết định 200 QĐ- TTg ngày 14/02/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là chưa đủ cho sự phát triển của một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng ở nước ta. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược và quy hoạch phát triển logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết. Với vai trò là “nhạc trưởng, tổng tư lệnh”, logistics là ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng, mang tính liên ngành và ứng dụng mọi thành quả của công nghệ thông tin. Hiệu quả quản lý logistics là kết quả của sự tham gia, phối hợp khoa học, liên kết của nhiều ngành như giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, thương mại, tài chính, hải quan, công nghệ thông tin... Do đó, để đảm bảo sự quản lý thống nhất trên quan điểm lợi ích toàn cục và tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa dịch vụ, tiền tệ, nhân lực và thông tin giữa các ngành, các địa phương vùng lãnh thổ... cần phải có một Ủy ban Nhà nước về logistics và xây dựng một hệ thống logistics quốc gia phát triển, hiện đại được quy hoạch, đầu tư xây dựng bài bản cho cả trước mắt và lâu dài.

Thứ sáu, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics cho nền kinh tế quốc dân. Nguồn nhân lực logistics nói chung và nguồn nhân lực logistics cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp nói riêng hầu như chưa được quan tâm đầu tư đứng mức. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp cũng cần phải được trang bị kiến thức logistics, có tư duy logistics để tổ chức và quản lý khoa học các hoạt động của mình với chi phí thấp nhất nhằm xử lý và giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trên quan điểm lợi ích toàn cục, lợi ích quốc gia, tránh tư tưởng lợi ích cục bộ, địa phương và lợi ích nhóm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bàn thêm về giải pháp phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO