Theo ông Phạm Lâm, với người trẻ, không nhất thiết phải đặt mục tiêu sở hữu nhà ngay từ đầu. Việc thuê nhà trong thời gian đầu lập nghiệp là hoàn toàn hợp lý, giúp họ có thời gian ổn định tài chính, tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào giai đoạn sở hữu bất động sản. Thực tế cho thấy, với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TP.HCM đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó.

Giải pháp phát triển nhà ở cho người trẻ được ông Phạm Lâm đưa ra như sau:
Cần tính đến việc quy hoạch các khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 30–40km, đi kèm với đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, để người dân có thể dễ dàng di chuyển. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo chất lượng sống.
Cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, những người đóng thuế đầy đủ, nghiêm túc trong nhiều năm có thể được xem xét ưu tiên.
Cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.
Các địa phương cũng cần tạo ra môi trường việc làm, xã hội tốt và các chính sách ưu đãi nhà ở để thu hút nguồn lao động trẻ tài năng đến an cư lạc nghiệp.
Ông Phạm Lâm cho rằng, việc phát triển nhà ở cho người trẻ là một quá trình dài hạn, không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai. Nhưng với một lộ trình rõ ràng, những chính sách sát thực tế, minh bạch và hướng đến đúng đối tượng, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện tại, hướng tới một chính sách nhà ở thực sự hiệu quả và bền vững cho người dân.