Bánh khúc cũng thường gọi là xôi khúc - món quà được bán quanh năm, nhưng có lẽ chỉ khi những cơn gió heo may se sắt ta mới thèm hơn cái vị dẻo thơm béo ngậy của nó. Bánh khúc Hà Nội có từ rất lâu rồi, không ai nhớ nổi. Có lẽ vì thế mà cách chế biến bánh khúc đa phần là học lỏm theo dân gian rồi làm nhiều và lâu năm rồi đúc kết thành kinh nghiệm.
Khúc là loài cỏ mọc ở triền đê, bờ mương hay ruộng đã gặt lúa. Điều đặc biệt, rau khúc chỉ mọc vào độ tháng 9, tháng 10 trở đi khi trời hanh khô, nên người sành ăn sẽ biết ăn xôi khúc vào lúc này là ngon nhất. Muốn làm bánh khúc ngon, nhất thiết phải dùng lá khúc hái từ buổi sớm, còn vương trên đó những giọt sương mai, lá được đem giã nhuyễn rồi trộn với bột gạo để làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh đồ chín tới giã thật mịn, viên lại bằng quả trứng gà cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi. Dàn mỏng lớp vỏ thật khéo bao kín nhân bánh, xếp từng lượt bánh vào nồi hấp như đồ xôi. Để tạo cho mỗi chiếc bánh có lớp vỏ xôi bám ngoài, khi xếp vào nồi mỗi lớp bánh lại rải một lớp gạo nếp, cả đáy và miệng nồi phủ lá chuối xanh cho thơm. Sau khoảng 45 phút, bánh chín lấy ra sẽ có một lớp áo xôi khoác bên ngoài, trông rất đẹp.
Xôi khúc ăn nóng, khi ăn cho một chút hành mỡ, tẩm chút vừng lạc. Mùa đông lạnh mà cầm chiếc bánh nóng trên tay, nghe mùi thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn đến khi cắn một miếng thấy vị ấm lan tỏa khắp người. Người Hà Nội bây giờ vẫn quen dùng bánh khúc Ngoại Hoàng hay tìm đến bánh khúc Cầu Gỗ vừa thưởng thức bánh, vừa uống trà nóng trong cái se lạnh của phố phường. Bánh khúc, thứ quà có thể giúp người ta đỡ đói lòng khi nhớ bữa, chính vì vậy mà bánh khúc đã trở thành một món quà đậm đà hương vị đặc trưng của xứ Hà thành.