Bắt đầu chấm điểm các ngân hàng thương mại Việt Nam

VnEconomy|30/01/2019 08:59

(VLR) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bắt đầu áp dụng từ năm 2019.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội

Thông tư này có tới 28 điều, quy định chi tiết và bao trùm hoạt động, các yếu tố nội tại của các tổ chức tín dụng Việt Nam để chấm điểm và xếp hạng hàng năm.

Theo thông tư, nguyên tắc của việc xếp hạng cần đảm bảo phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo đó được chia thành các nhóm đồng hạng, gồm: nhóm 1, ngân hàng thương mại có quy mô lớn (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 100.000 tỷ đồng); nhóm 2, ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng bằng hoặc thấp hơn 100.000 tỷ đồng); nhóm 3, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; nhóm 4, công ty tài chính; nhóm 5, công ty cho thuê tài chính; nhóm 6, ngân hàng hợp tác xã.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí. Từng tiêu chí xếp hạng bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính.

Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở số liệu hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trọng số của nhóm chỉ tiêu, trọng số của từng chỉ tiêu theo từng nhóm đồng hạng được xác định trên cơ sở tầm quan trọng của từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu đối với mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng và yêu cầu của công tác thanh tra, giám sát.

Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A), Khá (B), Trung bình (C), Yếu (D) hoặc Yếu kém (E).

Hệ thống tiêu chí xếp hạng trong Thông tư 52 xác định, gồm: vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.

Các tiêu chí trên được Ngân hàng Nhà nước quy định và xác định chi tiết các cấu phần, phân loại, cách tính…, đặc biệt về các cấu phần vốn, phân loại nợ và trích lập dự phòng…

Gắn với các nhóm chỉ tiêu định lượng, nhóm chỉ tiêu định tính, Thông tư 52 cũng quy định chi tiết cách tính điểm. Tổng điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định trên cơ sở tổng điểm của từng tiêu chí sau khi nhân với trọng số của từng tiêu chí.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào hạng A (Tốt) nếu có tổng điểm xếp hạng lớn hơn hoặc bằng 4,5; hạng B (Khá) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5; hạng C (Trung bình) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5; hạng D (Yếu) nếu tổng điểm nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5; hạng E (Yếu kém) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 1,5.

Trước ngày 10/6 hàng năm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kết quả xếp hạng của năm trước liền kề đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trước ngày 30/6 hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kết quả xếp hạng của năm trước liền kề đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2019 và bắt đầu áp dụng để xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ năm 2019.

Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần được bãi bỏ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu chấm điểm các ngân hàng thương mại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO