Lắp ráp ô tô bằng dây chuyền hiện đại tại nhà máy ô tô Mazda Việt Nam, khu công nghiệp Chu Lai. Ảnh: Thế Anh
Nghị quyết sẽ được lấy số 02, thay cho tên Nghị quyết 19 được ban hành liên tục từ năm 2014 tới nay. Xây dựng Nghị quyết mang tính “xương sống” cho năm 2019, tinh thần của Thủ tướng là “bứt phá” trong năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Cải cách phải gấp đôi, gấp ba
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, chúng ta cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc đua bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong 5 năm qua nhưng vẫn xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia Hiệp định đối tác tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt.
Các chuyên gia và cộng đồng DN cho rằng, Việt Nam không còn con đường nào khác là năm nay đã nỗ lực cải cách thì sang năm phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với chính chúng ta, phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Bối cảnh năm 2019 kinh tế thế giới được dự báo chậm lại, có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam phát triển nhưng sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, trong khi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn. Thủ tướng cho rằng, bứt phá đầu tiên là thể chế. Với dự thảo Nghị quyết 02, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trọng tâm điều hành của Chính phủ về môi trường đầu tư.
Tăng tính tự chủ, cạnh tranh cho nền kinh tế
Tại Diễn đàn Cải cách động lực tăng trưởng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng nhấn mạnh 3 đột phá về hạ tầng, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực và 2 động lực là thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và thúc đẩy, phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng kinh tế thời gian tới dựa vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, đô thị… Những hạn chế của nền kinh tế hiện nay cần khắc phục là năng suất lao động, nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Do đó cần xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, nói không với tiêu cực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN và người dân.
Theo yêu cầu, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02 là xây dựng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta theo thông lệ quốc tế. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, theo dự thảo mới nhất, mục tiêu và các chỉ tiêu của Nghị quyết được xây dựng và lựa chọn dựa trên 7 bảng xếp hạng. Cụ thể là các bảng xếp hạng: Môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới - WB; Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF; Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai 4.0 của WEF; Đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; Hiệu quả logistics của WB; Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc; và Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF.
Đặc biệt, về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các Bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm, chủ động thực hiện, kiến nghị các cơ quan Nhà nước khác thực hiện các giải pháp cần thiết theo thẩm quyền, đảm bảo đạt được mục tiêu nâng hạng tương ứng của chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.