Bước ngoặt mới cho ngành thủy sản Việt Nam

Thụy Hậu|08/07/2020 16:24

(VLR) Ngay sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, ngành xuất khẩu thủy sản nhanh chóng được phục hồi để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, không bị sụt giảm so với năm 2019. Với những lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại ngay khi có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ bước lên một tầm cao mới trong thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu.

Với những lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ bước lên một tầm cao mới trong thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu

Với những lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ bước lên một tầm cao mới trong thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu

Còn nhiều nút thắt

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên -26%, mực-bạch tuộc giảm -22%, cá ngừ giảm -14% trong khi xuất khẩu tôm chỉ tăng khoảng 2,4% so với năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Vẫn còn nhiều nút thắt siết ngành thủy sản nước ta

Vẫn còn nhiều nút thắt siết ngành thủy sản nước ta

Qua đại dịch COVID-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông - thủy sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hóa và nguyên liệu. Các cơ chế - chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp và kể cả phê duyệt thì lãi suất ưu đãi sau đó cũng chỉ thấp hơn lãi suất vay trung hạn thương mại một chút, không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề còn tồn tại nằm ở quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Xuất khẩu thủy sản là ngành có số lượng doanh nghiệp vô cùng lớn với gần 700 nhà máy gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông - ngư dân trên toàn quốc nhưng hầu hết là các doanh nghiệp này với quy mô vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất gia đình, thiếu tập trung.

Các mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam đang giảm nhiệt cạnh tranh trên thị trường thế giới khi nhiều quốc gia như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới. Trong khi đó Trung Quốc cũng mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước, thậm chí phục vụ cho xuất khẩu làm tăng khả năng cạnh tranh đối với con cá tra Việt Nam… Giá thành thủy sản nguyên liệu của Việt Nam vẫn còn đang ở mức cao hơn từ 10% - 20% so với một số nước như Ấn Độ, Thái Lan.

Ngoài ra, một loạt vấn đề đang khiến ngành thủy sản gặp khó như cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý; hệ thống hạ tầng, công nghệ phục vụ ngành thủy sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng còn khó khăn; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả; chất lượng và giá trị gia tăng còn thấp,… Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn chưa được chú trọng. Chính sách cho phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả, đi sâu vào vấn đề của doanh nghiệp. Đặc biệt là vẫn còn tình trạng ngư dân đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Nắm thời cơ xuất khẩu thủy sản

Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, nhiều mặt hàng thủy sản đang được kỳ vọng sẽ tăng tốc, mở ra sự tăng trưởng mới vào thị trường EU.

Để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có tầm nhìn và chiến lược lâu dài, phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu - nổi tiếng là khó tính nhất thế giới

Để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có tầm nhìn và chiến lược lâu dài, phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu - nổi tiếng là khó tính nhất thế giới

Hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào EU sẽ được giảm mức thuế cơ bản từ 12% - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm. Hay với cá tra, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá phi lê đã chế biến. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6% - 8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có tầm nhìn và chiến lược lâu dài, phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu - nổi tiếng là khó tính nhất thế giới. Chính vì vậy, việc chú trọng liên kết, hợp tác chặt chẽ chuỗi cung ứng giữa khâu nuôi trồng, chế biến và phân phối là yếu tố vô cùng cần thiết. Điều này giúp các doanh nghiệp có được nguồn cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như có được kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định.

Các quốc gia sản xuất thuỷ sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado đang gặp những khó khăn trong giai đoạn bị phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất (sau dịch) để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam, nếu các doanh nghiệp, đơn vị biết kịp thời nắm lấy.

Cùng với đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có điều kiện để chủ động hơn trong sản xuất khi chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng thủy sản, chế biến,…) hầu như không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài. Với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhu cầu hải sản sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới, nhưng EU và Mỹ có nhu cầu cao về phân khúc đồ hộp. Do vậy doanh nghiệp cần tập trung sản xuất đồ hộp, hàng chế biến sẵn với giá cả phù hợp, thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ để đáp ứng nhu cầu gia tăng tại các thị trường bị ảnh hưởng dịch nhiều như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trước mắt, ngành thủy sản Việt Nam cần nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển ngành một cách bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt mới cho ngành thủy sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO